Hàng nhập khẩu rục rịch tăng giá

(ANTĐ) - Nhiều mặt hàng đang rục rịch tăng giá bán sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giá VND/USD, trong đó tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu 100% hoặc các mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Hàng nhập khẩu rục rịch tăng giá

(ANTĐ) - Nhiều mặt hàng đang rục rịch tăng giá bán sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giá VND/USD, trong đó tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu 100% hoặc các mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” (Ảnh minh hoạ)

Cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” (Ảnh minh hoạ)

Ông Đỗ Trung Thành - Phó Trưởng phòng Kinh doanh gas của Saigon Petro cho hay, từ ngày 12-2 (1 ngày sau khi tỷ giá VND/USD được điều chỉnh tăng thêm 9,3%), giá gas của hãng này đã tăng thêm 17.000 đồng/bình 12kg. Đầu tháng 2-2011, do giá gas trên thị trường thế giới giảm khoảng 122,5 USD/tấn nên giá gas của Saigon Petro đã giảm 22.000 đồng/bình 12kg so với tháng 1-2011. Nhiều hãng gas khác trên thị trường cũng có quyết định giảm và tăng giá gas đồng thời với Saigon Petro. Theo ông Thành, lý do giá gas lập tức được điều chỉnh là do tỷ giá VND/USD tăng khiến doanh nghiệp phải tăng giá bán lẻ để tránh bị lỗ, mặc dù giá gas thế giới vẫn giữ ổn định như hồi đầu tháng này.

Tương tự như giá gas, thị trường ô tô cũng đang rục rịch tăng giá bán lẻ các loại xe ô tô do tác động tỷ giá tăng. Ví dụ, nhà nhập khẩu chính hãng xe Hyundai tại Việt Nam là Hyundai Thành Công đã gửi thông báo giá mới tới các đại lý của mình, quyết định tăng giá bán lẻ các mẫu xe du lịch Hyundai thêm từ 11 - 78 triệu đồng/chiếc tuỳ loại, trong đó đáng chú ý là mẫu xe nhỏ i10 1.2 AT tăng tới 42 triệu đồng lên 441 triệu đồng/chiếc; các mẫu Tucson, Santa Fe các loại tăng từ 22 - 27 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng Giám đốc Kylin, những thay đổi chính sách gần đây khiến thị trường ô tô bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo tính toán của doanh nghiệp, đợt điều chỉnh tỷ giá này sẽ khiến giá xe đội lên khá cao khiến thị trường ô tô có thể rơi vào tình trạng trầm lắng. Ông Hùng cho rằng, việc doanh nghiệp điều chỉnh giá xe là khó tránh khỏi. Nhưng do thị trường ô tô Việt Nam vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm nên nhiều doanh nghiệp phải “nhìn nhau” trước khi điều chỉnh.

Trong khi nhiều mặt hàng đã lập tức điều chỉnh giá bán sau khi tỷ giá VND/USD tăng lên thì vẫn còn những mặt hàng khác nghe ngóng thị trường. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Phải một thời gian nữa, tác động của điều chỉnh tỷ giá lần này mới tác động rõ rệt đến các doanh nghiệp ngành thép”.

Mặc dù là ngành sản xuất phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu song theo ông Nghi, trước nay, các doanh nghiệp trong ngành vẫn mua USD ở thị trường tự do với mức giá cao là chính, hiếm khi mua được trong ngân hàng nên lần điều chỉnh này chưa có tác động rõ rệt. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá bán thép của doanh  nghiệp trong nước cũng phải cân nhắc khi họ phải cạnh tranh với thép ngoại nhập vốn có mức giá rẻ hơn khá nhiều. Những doanh nghiệp xuất khẩu như: dệt may, da giày… phấn khởi hơn cả trong đợt điều chỉnh tăng tỷ giá này.

Có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD không gây tác động đến hàng hoá, thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Song thực tế, giá cả nhiều mặt hàng này vẫn tăng do tâm lý và bản thân người bán cũng cần tích luỹ nhiều hơn. Theo một chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh tỷ giá này sẽ không tác động thật lớn đến giá cả do phần lớn doanh nghiệp vẫn mua USD ngoài thị trường tự do với giá khoảng 21.000 đồng/USD nhưng có thể tạo ra tình trạng “té nước theo mưa”.

Chị Nguyên Thảo - luật sư chia sẻ: “Sau tết năm nay, giá hàng hoá không “sốt” khiến người tiêu dùng chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đợt điều chỉnh tỷ giá này chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng tăng giá mới, nhất là khi giá điện, giá than, giá nước, xăng dầu… đều được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới”. Các cơ quan quản lý đang tính toán để tránh cú sốc tăng giá do tác động của đợt điều chỉnh này.

 Vân Hằng