Hàng nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước "chôn" trong các dự án bất động sản

ANTD.VN - "Báo cáo đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước" vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) gửi Thủ tướng, tính đến ngày 25-8, cả nước còn 72 dự án có dấu hiệu hoạt động không hiệu quả.

Tỷ lệ lấp đầy của vệ tinh Vinasat-2 mới đạt 30%

Bộ KH-ĐT cho biết, trong số 72 dự án hoạt động không hiệu quả nêu trên, có 43 dự án thuộc các bộ, ngành.

Đáng chú ý, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các Bộ ngành quản lý tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy"- Bộ KH-ĐT cho biết.

Trong số các dự án không hiệu quả thuộc lĩnh vực bất động sản, phải kể đến dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như: xây dựng khu đô thị của Công ty TNHH MTV Hà Thành; dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng của Tổng công ty Thành An tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, Hà Nội; dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Sunshine Hill I và Sunshine Hill II của Tổng Công ty Thái Sơn.

Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác, các dự án được Bộ KH-ĐT điểm tên là: Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện có một số dự án đầu tư có mục đích sử dụng cho Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã được thực hiện, có nguy cơ giảm hiệu quả khi việc bàn giao, chia tách Đài VTC chưa được hoàn thành như: Dự án xây dựng trụ sở Đài VTC, Dự án Trung tâm truyền thông đa phương tiện, Dự án nâng cao năng lực Trung tâm truyền thông đa phương tiện; Dự án hiện đại hoá thiết bị trường quay bằng công nghệ cao

4 dự án này có tổng mức đầu tư là 1.678 tỷ đồng và hầu hết đưa vào sử dụng trong năm 2014 hoặc 2015, nhưng tỷ lệ sử dụng thấp.

Trong lĩnh vực cảng biển, kho bãi, tên các dự án bị nhắc tới nhiều nhất đều liên quan tới Vinalines. Đơn cử như 2 dự án đóng mới tàu container, tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 1.140,66 tỷ đồng của Công ty con – Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông (thuộc VINALINES). Cả 2 dự án hiện đang lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay, với tổng số lỗ luỹ kế là 1.608 tỷ đồng.

Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng có 3 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là: Dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.177,7 tỷ đồng. Dự án đã dừng thực hiện từ năm 2012 và hiện đang làm thủ tục bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam;

Dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Cui có tổng mức phê duyệt sau cùng là 829,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt thấp hơn rất nhiều so với dự án được phê duyệt;

Và dự án đầu tư xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng có tổng mức đầu tư phê duyệt sau cùng là 352,95 tỷ đồng, dự án bị thua lỗ từ khi đưa vào khai thác.

Tương tự, tại các địa phương, trong 21 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thì số các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản chiếm đa số.

Chỉ có 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, nhưng ở khối các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các dự án thua lỗ lại rất quen thuộc. 

Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tập đoàn này không có các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả.

Tuy nhiên, VNPT đang vận hành Dự án Phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-2 được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư nhằm phục vụ chiến lược dài hạn phát triển dịch vụ kinh doanh vệ tinh, bảo vệ nguồn tài nguyên vị trí quỹ đạo Việt Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 5.462 tỷ đồng, được đưa vào vận hành từ năm 2012, tỷ lệ lấp đầy tại thời điểm hiện tại mới đạt 30%. Tính từ năm 2012 đến 2016, dự án lỗ 1.209 tỷ đồng.

Tổng Công ty Giấy Việt Nam đứng đầu bảng về số lượng dự án thua lỗ với 8 dự án với tổng mức đầu tư phê duyệt là 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).