Hàng mã thăng hoa, bát âm... lụi bại

ANTĐ - Làng Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là ngôi làng cổ với lịch sử ra đời gần 500 năm, chuyên làm hàng mã hiếm hoi và cũng là ngôi làng duy nhất của tỉnh Quảng Trị có nghề cổ nhạc (phường bát âm chuyên thổi kèn, trống tại các đám ma). Chính hàng mã và nghề thổi kèn bát âm ai oán độc đáo này mà người ta vẫn gọi Phú Hải với tên gọi khác là làng phục vụ cho người cõi âm!

Hưng thịnh nghề hàng mã

Làng Phú Hải hình thành cách nay gần 500 năm, gần 100% hộ gia đình theo tại ngôi làng này đều làm nghề hàng mã và rất nhiều người theo nghề thầy cúng, thổi trống kèn trong các đám ma. Chúng tôi ngược về làng Phú Hải trong mưa phùn giá buốt của những ngày đông. Ngôi làng Phú Hải trông từ xa như một con rùa nổi lên trên trảng cát dài. Đầu rùa gối mình trên triền đê thoai thoải còn thân rùa nằm trải dài theo triền cát. Diện tích của làng chiếm 2/3 cát trắng, còn lại chỉ rất ít là ruộng cát pha bạc màu. Các bậc cao niên trong làng bảo rằng, chính địa thế đó đã khiến người làng từ xưa đến nay chẳng thể sống được bằng nghề nông. Với diện tích vỏn vẹn vài cây số vuông và dân số chỉ khoảng 60 hộ dân (khoảng 300 nhân khẩu) thì Phú Hải được xem là một trong những ngôi làng “hạt tiêu” nhất Quảng Trị.

Khi chúng tôi vừa đặt chân đến đầu cổng làng, cụ bà Mai Thị Lan, 90 tuổi đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm cất tiếng: “Mấy chú về mua hàng mã hử! rứa thì cứ vào sâu trong làng. Làng mệ không khi mô thiếu hàng mã mô”. Theo chỉ dẫn của cụ Lan, chúng tôi đi sâu vào làng. Nói là làng cho oai vậy chứ thực ra Phú Hải chỉ như một xóm nhỏ sống quây quần trên một rẻo đất hẹp. Chúng tôi ghé nhà bà Võ Thị Thúy, 50 tuổi ở cuối làng khi bà đang thoăn thoắt xếp hàng mã vào sọt lên chiếc xe đạp chuẩn bị chở đi thị xã Quảng Trị bỏ cho khách. “Tui làm nghề cũng được hơn 30 năm nay rồi, tuy vậy vẫn chỉ làm được những thứ bình thường thôi. Nghề này cũng lắm công phu, không kiên nhẫn và yêu nghề thì khó mà trụ được”, tranh thủ xếp hàng mã bà Thúy cho biết.

Những ngày giáp Tết bà Thúy làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không đủ hàng để bán

Một góc bày hàng mã tại nhà bà Thúy

Hàng mã để chật kín phòng khách nhà bà Thúy

Bà Thúy bảo cả gia đình ai cũng biết làm hàng mã từ lúc còn tấm bé. Những ngày cuối năm này gia đình bà làm tất bật cả ngày lẫn đêm mà vẫn không có hàng để bán. “Từ khoảng cuối tháng 11 âm lịch là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu để làm cho đến Tết. Mấy hôm nay người ta về lấy hàng, đặt hàng liên tục. Cũng mệt lắm nhưng cả năm chỉ được mỗi dịp này nên vợ chồng tui cũng gắng làm để bù ra giêng nhàn rỗi”, bà Thúy vui vẻ nói. Theo bà Thúy cho biết thì hàng mã có rất nhiều loại dành cho những lễ khác nhau, tùy vào mỗi loại lễ mà sẽ có một bộ hàng mã phù hợp. Ví như cúng ông bà thì sẽ có đủ bộ đồ gọi là bộ trạng gồm: quạt, đôi hia, áo, ngựa… nhưng nếu cúng vong ông thì sẽ có thêm cây dù, cúng vong bà sẽ có thêm chiếc nón.

Đó là những bộ hàng mã cúng truyền thống, còn những bộ hàng mã cúng “hiện đại” thì sẽ có thêm xe máy, điện thoại di động, biệt thự, xe hơi, thẻ ATM… “Những đồ hàng mã “hiện đại” thường không làm sẵn mà phải đặt trước vì những thứ đó làm nhiều công và đắt tiền. Nói chung là bọn tui nhận tất, ai đặt gì làm cũng được cả!”, bà Thúy nhoẻn miệng khoe. Một người có tay nghề bình thường có thể làm được 5 bộ hàng mã mỗi ngày. Bình quân mỗi bộ có giá từ 10.000 đến 30.000 đồng, trừ chi phí ngày cao điểm mỗi người làng Phú Hải có thể kiếm được trên 100.000 đồng. 

Cách đó mấy bước chân, gia đình anh Trần Ngọc cũng đang dồn hết nhân lực chuẩn bị hàng Tết. Vừa pha trà mời khách, anh Ngọc bộc bạch “Nghề được truyền lại từ tổ tiên, các thế hệ sau cứ vậy mà theo. Đó vừa là chuyện giữ nghề truyền thống vừa là kế mưu sinh. Với lại không làm nghề này thì biết làm gì, ruộng vườn chẳng được bao nhiêu thì lấy gì mà sống”. Anh Ngọc cho biết, không chỉ những người bám trụ ở làng theo nghề mà những người làng ly hương xứ khác cũng mang nghề truyền thống của làng theo và phát triển. Vì vậy, người làm nghề hàng mã khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị cũng phần lớn đều có gốc tích là người làng Phú Hải.

Ông Hồ Duy Khả, trưởng thôn Phú Hải cho hay: “Hiện tại trừ một số gia đình ra ngoài buôn bán còn lại đa số người ở làng đều theo nghề làm hàng mã. Tính ra mỗi năm thu nhập đưa lại từ nghề này cho làng khoảng 500 triệu đồng. Nghề hàng mã những năm trở lại đây rất phát triển. Phú quý sinh lễ nghĩa mà!”. Với một ngôi làng nhỏ lại rất ít đất sản xuất như Phú Hải thì đó là con số không nhỏ chút nào. Cũng chính nhờ nghề mà nhiều con em của làng được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt nơi chốn thị thành.

Mai một phường bát âm

Khác với sự hưng thịnh của nghề làm hàng mã, nghề cổ nhạc của làng những năm gần đây có dấu hiệu mai một. Cụ Lan vừa đánh phẹt miếng bả trầu xuống thềm vừa thủng thẳng, nói: “Nghề cổ nhạc hay nói nôm na là nghề cúng bái, thổi kèn trong các đám tang, ma có nguồn gốc xưa nhất. Thế nhưng hiện nay những người am hiểu đầy đủ nghề chẳng còn nhiều. Đám trẻ đã không còn mặn mà với kèn kiệc chi nữa nên cũng buồn”.

Cụ Lan cho biết, mình sống đến tuổi xưa nay hiếm nhưng từ hồi còn nhỏ cụ đã nghe cha, ông nội kể lại là nghề cổ nhạc có nguồn gốc từ trước đó rất lâu. Trong ký ức của cụ Lan thì từ thời kháng Pháp đã có nghề cổ nhạc. Bà kể, hồi đó có lần làng bên có đám tang đã thuê cha của bà sang thổi kèn làm lễ cúng bái, mấy tên lính người Pháp cao to nghe thấy thú vị quá vỗ tay rần rần. Thấy bọn lính Tây cười, vỗ tay nhưng ai nấy đều im thin thít không dám cười theo vì tên nào trên tay cũng lăm lăm súng ống. Thế là ngay sau đó, những tên lính này đã thuê cha bà và những người làng bà về đồn thổi cho chúng nghe. Ban đầu mọi người ngạc nhiên nhưng sau đó qua người thông ngôn họ mới biết là vì chúng thích nghe là do lạ tai và tưởng dàn nhạc dân tộc!..

Ông Trần Tranh là một trong những “nghệ nhân” cổ nhạc hiếm hoi còn lại của làng năm nay đã 92 tuổi. Chúng tôi gặp ông khi ông đang đi cúng cho một gia đình khánh thành lăng mộ. Nhấp ngụm nước chè nóng, ông Tranh tâm sự: “Trước đây tui vừa làm nghề thổi kèn vừa làm thầy cúng. Tuy nhiên hiện nay do sức yếu nên tui bỏ nghề thổi kèn, thỉnh thoảng đi cúng bái thôi”.

Ông Tranh (áo vàng phía tay trái) đang làm lễ cúng khánh thành lăng mộ

Ông Tranh là người còn lại am hiểu nhất về nghề cúng bái và phường bát âm, năm nay ông đã 92 tuổi

Ông Tranh cho biết, hiện trong làng chỉ còn ông với khoảng 2,3 người nữa là biết thổi kèn và các “bí quyết” cúng bái. Lớp trẻ sau này chẳng còn ai thích thú với nghề cổ nhạc, cúng bái của tiền nhân. Ông và những “nghệ nhân” khác cũng đang ngắc ngoải với nghề. “Nghề này ngày càng bạc bẽo, hiện nay người dân đã không còn chuộng lắm việc mời phường bát âm hay thầy cúng nữa nên công việc ngày càng ít dần. Nhiều người bảo nghề bọn tui là tiếp tay cho mê tín dị đoan. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi nhưng có nhu cầu thì ắt có cung”.

Vì là nghề do tổ tiên xa xưa truyền lại nên ông Tranh và nhiều người khác muốn lưu truyền, gìn giữ. Đó là cái gốc của một ngôi làng cổ, là nét văn hóa lâu đời cần được lưu giữ để con cháu về sau nhớ đến gốc tích của làng mình.

Theo nhiều bậc cao niên kể lại thì gốc tích người làng Phú Hải xuất xứ từ một bộ phận dân tộc Chăm xa xưa ở khu vực Nam Trung Bộ trên đường chạy loạn đã dừng lại lập làng tại địa điểm làng cũ cách nay gần 500 trăm năm. Cách đây khoảng 100 năm, làng cũ Phú Hải bị một trận bão cát lớn vùi lấp, có rất nhiều người chết nên những người còn lại đã di chuyển về nơi ở hiện nay, cách làng cũ khoảng 5km. Và khác với tất cả những người nơi khác, người làng Phú Hải có đôi mắt rất sắc và đen đặc trưng. Làng Phú Hải chỉ có hai họ tộc là Hồ là Trần.