Hàng loạt Trung tâm "ma" kiểm nghiệm phân bón (2): Làm liều, chứng nhận bừa

ANTĐ - Do được “bật đèn xanh”, một Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng trực thuộc Trung tâm Phân bón quốc gia đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho hàng trăm loại phân bón giả, kém chất lượng. Thậm chí, trong số ấy có những loại phân bón chưa có trong danh mục được phép ở Việt Nam. 

 

Phân bón giả làm người nông dân điêu đứng

Bất chấp quy định 

Cục Trồng trọt đã yêu cầu trung tâm này thu hồi các giấy chứng nhận cấp sai quy định, nhưng qua thanh tra, Cục vẫn phát hiện tồn tại một số giấy phép đã cấp cho một số đơn vị như Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phong (TP.HCM); Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu); Công ty TNHH MTV ON-OANH... 

Rất nhiều giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón được cấp còn không có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam hoặc chưa được Hội đồng Khoa học công nghệ của Cục Trồng trọt thành lập đánh giá đạt yêu cầu.

Một số phân bón nhập khẩu theo quy định phải chứng nhận hợp quy theo 7 phương thức, nhưng Trung tâm vùng này chỉ cấp theo 5 phương thức (áp dụng cho phân bón sản xuất trong nước). Phân bón khảo kiểm nghiệm chưa đạt yêu cầu quy định trong Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ NN&PTNT nhưng trung tâm này vẫn cấp chứng nhận. Cục Trồng trọt phát hiện có khoảng 300 loại phân bón do Trung tâm vùng chứng nhận hợp quy không đúng theo quy định.

Lấy mẫu kiểu hài hước

Trong báo cáo đánh giá chứng nhận hợp quy số 117-1/2014/BC-CNCL, để chứng nhận hợp quy cho 37 loại phân bón theo phương thức 5 (thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất) trong 1 ngày (từ 8h ngày 6-11-2014 đến 16h30 ngày 6-11) với thành phần đoàn đánh giá chỉ có 3 người.

Cục Trồng trọt khẳng định, 3 người vừa thực hiện đánh giá, vừa lấy 37 mẫu phân bón là hoàn toàn không khả thi. Thậm chí, Thông tư 29/2014/TT-BCT đến ngày 27-11-2104 mới có hiệu lực thi hành, nhưng ngày 6-11, trung tâm này đã dựa theo thông tư để cấp 37 giấy chứng nhận.  Hài hước, cũng tại biên bản lấy mẫu ngày 6-11 ghi rõ, một người lấy 37 mẫu phân bón trong thời gian 1 tiếng 15 phút. Cục Trồng trọt khẳng định, điều này là không thể thực hiện được.

Xử lý hình sự

Những năm qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành trên thị trường đã gây thiệt hại không nhỏ. Những kẻ hám lời đã đang tâm trục lợi trên giọt mồ hôi, nước mắt của nông dân. 

Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 3 cán bộ thuộc Trung tâm Phân bón quốc gia vì đã cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón mà không lấy mẫu phân tích. Như vậy, hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm phân bón chất lượng trên trời đã và đang được các Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón làm liều “cho qua”. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2013, Bộ đã xử lý kỷ luật một số cán bộ của Cục Trồng trọt, Trung tâm Phân bón Quốc gia liên quan đến hoạt động khảo kiểm nghiệm phân bón. Tuy nhiên, sai phạm vẫn nối tiếp, và kết quả là hàng loạt phân bón rởm được các trung  tâm, trạm khảo kiểm nghiệm phân bón “ma” chứng nhận hợp quy, bán ra thị trường, lừa nông dân.

Đối với việc này, ông Trần Văn Tuấn, Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã giao cho Thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra toàn diện 11 trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón trên cả nước, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý đúng theo quy định. Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, cần rà soát lại các quy định liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp, trong đó ngoài xử phạt hành chính phải khởi tố hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng. 

Quy định của pháp luật cần chặt chẽ, nghiêm minh đủ sức răn đe với những doanh nghiệp, với cán bộ quản lý Nhà nước làm liều nhưng trách nhiệm giám sát, quản lý của cơ quan chức năng, mà trực tiếp lĩnh vực phân bón là Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT là cần thiết, tránh tình trạng, một số cá nhân làm liều gây hậu quả cho toàn xã hội.