Hàng loạt ngân hàng hoãn đại hội cổ đông, giảm mục tiêu lợi nhuận vì Covid-19

ANTD.VN - Tăng trưởng tín dụng sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt ngân hàng phải lên kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020.

Lùi thời hạn đại hội cổ đông

Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa hoãn tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mà trước đó dự kiến tổ chức vào ngày 28/3 vừa qua do dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Trước đó, Ngân hàng Quân Đội (MB) cũng đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lùi lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào thời điểm thích hợp, chậm nhất đến cuối tháng 6/2020 thay vì tổ chức vào tháng 4 như thông thường. Đề xuất này đã được chấp thuận và MB đã thực hiện các thủ tục công bố thông tin về việc lùi lịch họp Đại hội đồng cổ đông.

Hội đồng Quản trị SeABank cũng đã thông qua việc hoãn họp cổ đồng thường niên năm 2020. Trước đó, ngân hàng dự kiến tổ chức vào ngày 27/3. Thời gian và địa điểm sẽ được công bố sau khi Hội đồng Quản trị quyết định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trước đó, ACB cũng hoãn họp cổ đông thường niên, từng dự kiến tổ chức vào 7/4. Techcombank cũng lùi thời gian tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sang tháng 6/2020. Eximbank cũng dời lịch họp cổ đông theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các nhà băng chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức đại hội cổ đông/đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức.

Theo NHNN, việc này nhằm đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện có nhiều diễn biến phức tạp theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có thẩm quyền.

Lên kế hoạch điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng ghi nhận trong quý I-2020 chỉ 0,68%, so với mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua và cách rất xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đề ra trong năm nay, ước khoảng 14%.

Kế hoạch lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Trong khi đó hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng, phần lớn là các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,51%, thấp hơn so với mức 1,72% của cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%).

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt gói tín dụng 285.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19.

Cũng trong quý I, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hàng loạt các lãi suất điều hành từ 0,5-1% đồng thời giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, giảm trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên…

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, tình hình tăng trưởng huy động vốn cũng như tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ tiếp tục chậm trong những tháng tới, do các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh, sẽ hạn chế vay vốn ngân hàng. Đây sẽ là nguyên nhân khiến lợi nhuận các ngân hàng năm nay có thể sụt giảm so với các năm trước đây.

Trước tình hình trên, một số ngân hàng đã có động thái chuẩn bị điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. Trong Báo cáo thường niên năm 2019 vừa công bố, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) chỉ đưa ra mục tiêu tăng tưởng tín dụng, huy động vốn năm 2020 mà bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2020 phụ thuộc vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan chức năng; đồng thời cũng nhận định, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng mạnh đến khả năng tăng trưởng và hiệu suất sinh lời của ngân hàng.

Trong khi đó, tại đại hội cổ đông Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) tổ chức đầu tháng này, BIDV vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ năm 2020 là 12.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng, con số này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất vào cuối tháng 3. Nếu tình hình kiểm soát dịch khó khăn và phức tạp hơn, BIDV sẽ linh hoạt, xây dựng kịch bản xấu hơn, có thể đề nghị ĐHCĐ giao quyền, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có điều chỉnh thích hợp.

Trong Báo cáo thường niên năm 2019 của NamA Bank, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng giảm 13,47% so với năm 2019, ở mức 800 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm 2020 khá cao, tuy nhiên, thời điểm đó chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng và chưa biết thời điểm nào kết thúc, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, một mặt các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận của mình với doanh nghiệp, mặt khác tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.

Tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, đồng thời quán triệt tinh thần chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.