Hàng loạt dự án BOT tháo chạy vì "đói" vốn

ANTD.VN - Sau dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà đầu tư phải tháo chạy vì “đói” vốn thì hàng loạt dự án giao thông khác theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cũng đang rơi vào cảnh tương tự.

Đến thời điểm hiện tại, khi các ngân hàng siết chặt dòng vốn đổ vào hạ tầng giao thông thì dự án BOT không còn là chiếc bánh béo bở để các nhà đầu tư cùng “lao vào” như vài năm trước đây. Nhiều dự án đang bế tắc vì thiếu vốn, vì số thu phí thực tế để hoàn vốn không “màu hồng” như phương án tài chính khi ký kết hợp đồng BOT với Bộ GTVT. 

Thiếu vốn nên tiến độ dự án chậm trễ, khó có khả năng hoàn vốn đầu tư nếu chỉ trông chờ vào một trạm BOT đặt đúng vị trí nên nhiều nhà đầu tư đã và đang phải kiến nghị Bộ GTVT cho mở thêm trạm BOT dạng đặt nhầm chỗ để tận thu cho bằng đủ số tiền đã bỏ ra làm đường. Đáng nói, nhiều dự án BOT do tính toán không kỹ khả năng tác động lên đời sống người dân ở khu vực nên đã và đang gặp phải những phản ứng khá dữ dội từ nhân dân.

Hàng loạt dự án BOT tháo chạy vì "đói" vốn ảnh 1Trạm thu phí Quốc lộ 3 cũ đang bị người dân phản đối vì đặt nhầm chỗ kiểu tận thu

Ngân hàng rút lui

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phải chấm dứt vai trò nhà đầu tư với liên danh 5 nhà đầu tư cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vì đến thời điểm này liên danh nhà đầu tư vẫn không thể huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nguồn vốn cho dự án bị tắc là do sự rút lui của các ngân hàng. Và đây cũng là dự án BOT đầu tiên mà ngành GTVT đã chấm dứt vai trò nhà đầu tư vì không huy động được vốn để tiếp tục làm dự án.

Nhưng đây lại không phải dự án BOT đầu tiên rơi vào cảnh thiếu vốn, nhiều dự án BOT đã rơi vào cảnh tương tự và đến nay vẫn chưa thể hoàn thành như dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đang sa lầy khi nguồn vốn rót về không như ban đầu. Vào tháng 9-2016, Ngân hàng SHB - chi nhánh Ba Đình đã đột ngột dừng rót vốn, từ đó đến nay dự án vẫn ì ạch. Lý do chính khiến dòng vốn tín dụng cho công trình đang trong quá trình thi công bị “phanh đột ngột” là do doanh thu thực tế của trạm thu phí trên QL6 thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra, dẫn đến nguy cơ “vỡ” phương án tài chính cho công trình. 

Theo hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, số tiền thu được từ trạm thu phí trên QL6 (Trạm thu phí Km42+730 - Lương Sơn, Hòa Bình) sẽ được sử dụng để đầu tư tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình với số thu tối thiểu kể từ 1-8-2015 đến hết 31-7-2016 phải đạt 124 tỷ đồng. Kỳ vọng là như vậy, nhưng trên thực tế, doanh thu của trạm thu phí QL6 chỉ đạt 66,9 tỷ đồng, bằng 54% mức thu kỳ vọng.

Trước rủi ro tài chính đang chực chờ bủa vây dự án, ngân hàng đã yêu cầu nhà đầu tư phải sớm giải quyết vấn đề về giá vé; sớm ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thu phí với Bộ GTVT thì mới tiếp tục khơi thông dòng vốn.

Mới đây nhất, giữa tháng 3-2017, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã phải “cầu cứu” Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng SHB - chi nhánh Ba Đình (đơn vị tài trợ vốn) sớm nối lại công tác giải ngân để dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BOT hoàn thành đúng tiến độ.

Hiện, dự án này vẫn đang trong cảnh bị ngắt nguồn vốn từ tháng 9-2016 đến nay. Trong khi dự án theo kế hoạch ban đầu sẽ thông xe vào cuối năm 2016 thì đến nay vẫn chưa có hồi kết, bởi, nguồn vốn vay ngân hàng chiếm đến 80% mức đầu tự dự án.

Đi không được, ở không xong

Chưa rút ra khỏi dự án nào nhưng doanh nghiệp được mệnh danh là “trùm BOT” - Tasco cũng mới quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực này sau gần 10 năm gắn bó để đổ tiền vào lĩnh vực khác. Lý giải về điều này, đại diện công ty cho biết đã đổ khoảng 15.000 tỷ đồng vào lĩnh vực BOT với tỷ suất sinh lời khoảng 11,5%/năm và mức lợi nhuận này được đánh giá là không đột phá trong khi vốn chủ đầu tư bị “giam” quá lâu.

Dù liên danh 5 nhà đầu tư bị chấm dứt vai trò nhà đầu tư đối với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nhưng theo nhìn nhận của một số nhà đầu tư BOT đã “trót” lao vào thì còn khá may mắn. Đơn cử như nhà đầu tư cầu Hạc Trì (Phú Thọ), hiện doanh thu thực tế quá thấp, không như phương án ban đầu.

Theo đại diện BOT cầu Hạc Trì, theo phương án hợp đồng BOT ban đầu đã ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, sau khi cầu Hạc Trì hoàn thành sẽ cấm hoàn toàn các phương tiện lưu thông qua cầu Việt Trì cũ nhưng đến nay, phương án đã bị thay đổi, ô tô dưới 7 chỗ vẫn được lưu thông qua cầu Việt Trì nhưng thực tế, do không có lực lượng túc trực, xử phạt nên ô tô tải, ô tô khách vẫn đi qua cầu Việt Trì, né cầu Hạc Trì.

Giữa năm 2016, nhà đầu tư cầu Hạc Trì đã muốn đóng cửa, dừng hoạt động của cây cầu 1.900 tỷ đồng này vì thua lỗ. Hiện nay, tình hình vẫn không có gì thay đổi, theo phương án ban đầu, dự án này sẽ thu phí hoàn vốn trong 17 năm, nhưng với mức thu hiện tại, nhà đầu tư tính toán phải kéo dài gấp 2 - 3 lần. 

Chuẩn bị đưa vào thu phí nhưng dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) hiện cũng đang rơi vào cảnh trở đi mắc núi trở lại mắc sông bởi sau khi dự án gần hoàn thiện, nhà đầu tư mới  hốt hoảng do trạm BOT đặt đúng vị trí thì không đủ tiền hoàn vốn, còn thiếu hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư đã xin Bộ GTVT và UBND tỉnh Thái Nguyên nâng cấp 25km tuyến đường QL3 cũ trên địa bàn Thái Nguyên để thu phí hoàn vốn cho dự án Thái Nguyên - Chợ Mới và nhận được sự đồng ý. Vậy là chỉ cách nhau chừng 1,5km, nhưng trên địa bàn huyện Phú Lương có tới 2 trạm thu phí BOT với mức thu thấp nhất là 35.000 đồng/lượt phương tiện đã khiến người dân rầm rầm phản đối. Với 2 trạm thu phí này, dù di chuyển trên QL3 cũ hay đi vào đường dự án mới Thái Nguyên - Chợ Mới thì ô tô đều phải trả phí, không thể chạy đâu thoát. 

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, có tình trạng làm BOT cho dự án này nhưng dùng tiền đó để làm tiếp dự án khác, hầu hết những dự án này đều gặp phản ứng của người dân. Trong khi đó, trước khi đặt trạm thu phí và đưa ra phương án tài chính đều có thỏa thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương, đó là văn bản pháp lý cao nhất để đưa ra việc thu phí. “Tuy nhiên, qua giám sát của đoàn Quốc hội vừa rồi, việc thỏa thuận này mới dừng ở cấp HĐND, UBND còn việc lấy ý kiến của người dân hầu như không có. Địa phương thì mong muốn có đường, muốn có dự án BOT chạy qua để thúc đẩy kinh tế.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm với người dân về quyết định này nhưng thực tế thì chính địa phương cũng không giải thích nổi. Vì vậy, từ nay về sau, Bộ GTVT cho rằng việc lấy ý kiến cộng đồng là một trong số những yêu cầu để Bộ quyết định có đầu tư BOT hay không”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Liên quan đến nguồn vốn đổ vào BOT hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin, việc tiếp tục huy động nguồn vốn dài hạn thị trường trong nước rất khó khả thi.

Thực tế vừa qua, một số dự án khả thi về tài chính nhưng ngân hàng thương mại trước đây cam kết tín dụng đã có văn bản từ chối. Với nguồn vốn nước ngoài, Bộ GTVT đã tổ chức tham vấn các nhà đầu tư, các ngân hàng tiềm năng và tổ chức tài chính quốc tế nhưng các ý kiến đều tỏ rõ quan ngại do chính sách Việt Nam thay đổi nhiều, mức tín nhiệm quốc gia chưa cao, giải phóng quá phức tạp, không kiểm soát được giá thành tiến độ.  

Đáng nói, nếu không gỡ được nút thắt vốn, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng có nguy cơ đình trệ rất lớn, nhãn tiền là dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam, và nguy cơ tới đây là Sân bay quốc tế Long Thành cũng như nhiều dự án khác.