Hàng loạt đề xuất mới về xử lý vật chứng, tài sản, nhà đất bị tạm giữ, kê biên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản đã thu giữ, tạm giữ..., cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho người bị buộc tội nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án.

Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ việc, vụ án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa có hàng loạt đề xuất mới về xử lý vật chứng.

Về xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch, theo Dự thảo, đối với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho người bị buộc tội nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch đối với các vật chứng, tài sản, trừ trường hợp các vật chứng, tài sản đó cũng là vật chứng, tài sản trong vụ án rửa tiền.

Về xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng và tạm giữ tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng để chờ xử lý, đối với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên mà có đủ điều kiện để mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho chủ sở hữu hoặc người đại diện của họ được mua bán, chuyển nhượng.

Cơ quan tiến hành tố tụng tạm giữ, xử lý số tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản nêu trên theo quy định, không để xảy ra việc thất thoát, tẩu tán tài sản trong quá trình xử lý.

Về xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng. với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc là phương tiện sản xuất, kinh doanh đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch, sau khi có đề nghị của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo chỉ định của chủ sở hữu hoặc của cơ quan tiến hành tố tụng. Tổ chức, cá nhân được giao khai thác, sử dụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản, không được chuyển dịch quyền sở hữu, cầm cố, thế chấp vật chứng, tài sản đó.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất biện pháp tạm dừng giao dịch và xử lý tài sản tạm dừng giao dịch. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm dừng giao dịch tài sản có giá trị và có thể giao dịch để áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo quy định của Nghị quyết này, bảo đảm giải quyết vụ việc, vụ án. Việc tạm dừng giao dịch được áp dụng đối với tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tạm dừng giao dịch cũng có thể được áp dụng đối với tài sản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ cho rằng tài sản này liên quan đến vụ việc, vụ án. Trường hợp tài sản có thể chia tách được thì chỉ tạm dừng giao dịch phần tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị áp dụng biện pháp tạm dừng giao dịch được xem xét, xử lý theo quy định của Nghị quyết này, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.