Hàng loạt chủ nợ tự đẩy mình vào vòng lao lý, thậm chí mất mạng vì... đòi nợ sai cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng chủ nợ cho vay mượn tiền nhưng không được trả đúng hạn đã đòi nợ sai cách, dẫn đến bị tù tội, thậm chí mất mạng diễn ra khá phổ biến, gây nhiều hệ luỵ đáng tiếc…

Cách đây không lâu, CAQ Đống Đa, Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng Trần Thị Xuân Huyền, Nguyễn Thị Kim Xuân, Nguyễn Thị Duyên và Đỗ Văn Đường để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nạn nhân là bà L.B.L, ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Trước đó, bà L vay Huyền số tiền 250 triệu đồng. Khoảng 1 tháng sau, người phụ nữ này tiếp tục vay thêm 2 tỷ 750 triệu đồng và thỏa thuận lãi 10 triệu đồng/ngày. Hai bên viết giấy đặt cọc bán nhà 3 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng, có chứng kiến của đối tượng Xuân và Duyên.

Sau đó, bà L tiếp tục vay thêm số tiền 180 triệu đồng, nâng tổng số tiền lên hơn 3 tỷ đồng. Sau khi bà L trả được 100 triệu đồng thì không còn khả năng trả lãi nên Huyền cùng các đối tượng đến gặp người phụ nữ này để đòi tiền. Bị phủ nhận việc vay nợ nên nhóm đối tượng đã chửi bới, đe dọa bà L trả tiền.

Sau đó, Huyền viết giấy ủy quyền cho Đỗ Văn Đường đòi nợ. Đường cùng 4 người khác đỗ xe ba bánh "thương binh" trước cửa nhà bà L gây sức ép. Do không chịu được sức ép, bà L trình báo cơ quan công an.

Nhóm đối tượng bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản

Nhóm đối tượng bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản

Gần đây nhất, ngày 21-1 vừa qua, TAND TP Cần Thơ đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Phạm Văn Công về tội bắt người trái pháp luật do có kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo.

Theo cáo trạng, Công cho L vay 70 triệu đồng, sau đó nhiều lần yêu cầu L trả nợ nhưng người này không trả và có ý lẩn tránh. Vì vậy, khoảng 10 giờ ngày 18-8-2023, Công gọi điện cho L để hỏi về số tiền nợ. L hẹn gặp Công ở một quán cà phê ở quận Ninh Kiều. Công rủ theo Trần Văn Nhuần đi đòi nợ với mình nhưng đòi không được nên đã giữ người.

TAND quận Ninh Kiều đã xử phạt Công và Nhuần mỗi người 9 tháng tù về tội "Bắt người trái pháp luật". Tại phiên phúc thẩm, toà đã tuyên phạt bị cáo Công 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nghiêm trọng hơn, tại Bình Dương, chỉ vì đi đòi nợ 700 ngàn đồng, một thanh niên đã bị con nợ đâm tử vong…

Nhìn nhận các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, những sai lầm mà các chủ nợ thường mắc phải dẫn đến vi phạm pháp luật, tự đẩy mình vào vòng lao lý gồm: Bắt, giữ con nợ để buộc con nợ phải trả nợ vay - dấu hiệu phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 157 BLHS 2015;

Gây sức ép chiếm đoạt một số tài sản của con nợ để cấn trừ nợ-dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 BLHS 2025;

Tự mình hoặc thuê người khác đánh đập, ép con nợ hoặc người thân con nợ phải trả nợ vay-dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 BLHS 2015.

Để có thể đòi được nợ một cách an toàn, chủ nợ cần tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Nếu con nợ có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản đã vay, mượn mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đã vay, mượn vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS 2015.

Khi đó, chủ nợ có quyền đến trực tiếp hoặc gửi đơn tố giác tội phạm ra cơ quan công an để được giải quyết theo quy định

Trường hợp con nợ không có dấu hiệu bỏ trốn thì chủ nợ có thể khởi kiện dân sự tại toà án có thẩm quyền để đòi nợ - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.