Hàng loạt các vụ tử vong do đuối nước trong những ngày đầu hè

ANTD.VN -Trong những ngày đầu hè, tại các địa phương liên tiếp xảy ra các vụ tử vong do đuối nước, trong đó không ít nạn nhân là các em nhỏ mới 3, 4 tuổi. Thực trạng đau lòng này dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng hầu như năm nào cũng tái diễn.

Mỗi năm hàng nghìn người chết do đuối nước

Mới đây, tại hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, chỉ trong 3 ngày đã liên tiếp xảy ra hai vụ đuối nước làm 3 người chết. Ngày 29/4, một nhóm học sinh gồm 4 em tại TP Biên Hòa đến bờ hồ Trị An, thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu để câu cá thì xảy ra tai nạn, khiến hai học sinh là N.H.N (17 tuổi) và N.A.K (16 tuổi) tử vong do đuối nước.

Hai ngày sau, anh Nguyễn Hoàng V (22 tuổi), cùng nhóm bạn rủ nhau ra bờ đê hồ Trị An, thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu chơi. Trong lúc nô đùa, anh V cũng 1 người bạn đã rơi xuống hồ. Bạn anh V đã may mắn được cứu sống còn anh V do chìm sâu dưới hồ nên đã tử vong.

Còn tại thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, ngày 16/4, 3 cháu nhỏ  (2 cháu 5 tuổi, 1 cháu 4 tuổi)  là học sinh mầm non trên địa bàn Thị trấn Thanh Hà đã tử vong do xuống chơi, tắm tại một hố nước sâu 1,2m, rộng khoảng 5-6 m2.

Người dân chụp ảnh, câu cá sát mép hồ Tây (Hà Nội)

Trước đó, ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, trong vòng 20 ngày đã xảy ra 2 vụ trẻ em tử vong do đuối nước. Trưa 18/3, cháu Nguyễn Duy Khôi, SN 2017 ở xã Động Quan chơi gần ao. Do trượt chân nên cháu đã rơi xuống ao chết đuối, được phát hiện khi đã quá muộn…Trước đó,  ngày 27/2, một cháu nhỏ SN 2016 ở xã Lâm Thượng cũng chết đuối do rơi xuống ao.

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có nguy cơ bị đuối nước. Chiều 10/4, anh H.Đ.Q (ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã rủ anh L.D.M ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đến hồ câu Dân Biểu (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) để câu cá. Trong quá trình bơi thuyền ra giữa hồ thả mồi thính thì không may thuyền lật, anh Q ngã xuống hồ tử vong.

Trong những ngày đầu hè, do nhiệt độ tăng cao nên hiện tượng người dân tìm đến các sông hồ để bơi, tắm, giải nhiệt diễn ra khá phổ biến. Tại Hà Nội , thời gian qua vẫn có không ít người tìm đến khu vực bãi giữa sông Hồng để bơi lội, tập luyện. Quanh khu vực hồ Tây vào các buổi chiều thường  có rất đông người đến hóng mát, tập thế dục, bơi thuyền và chụp ảnh “tự sướng”, trong đó có không ít trẻ em. Chỉ cần vài phút bất cẩn của người lớn cộng với sự hiếu động của trẻ nhỏ, hậu quả sẽ khó lường.

Cần có kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước

Số liệu thống kê cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất vào dịp hè, khi tiết trời nắng nóng, các gia đình đi nghỉ mát, tắm biển, trẻ em tìm đến các sông, suối, ao, hồ... để bơi lội, nghịch nước làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Để hạn chế các vụ tai nạn thương tâm, mỗi cá nhân cần có hiểu biết về cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước. Theo anh Trần Đình Quý - giáo viên có thâm niên 10 năm dạy bơi tại Hà Nội, khi gặp trường hợp đuối nước, điều đầu tiên là cần đưa nạn nhân ra khỏi nước. Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước phải khẩn trương tìm cách đưa họ nên bờ như hô hoán những người xung quanh, tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám và tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi.

 Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước, khi đưa được lên bờ cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Trường hợp bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập phải ấn tim ngoài lồng ngực.

Có người còn mang thuyền phao đến hồ Tây (Hà Nội) chèo thuyền

Với trẻ nhỏ, sau khi đưa trẻ lên bờ cần đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, cần kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở. Khi đó cần thổi ngạt miệng qua miệng vài lần một cách từ từ.

Cũng theo anh Quý, trong quá trình cấp cứu đuối nước tuyệt đối không được chậm trễ. Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra vì điều này sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc hồi sức cấp cứu. Khi xoa bóp tim ngoài lồng ngực không nên làm quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.

Để phòng tai nạn đuối nước, khi đi đến các địa điểm mới, mỗi người không nên ngay lập tức nhảy xuống vùng nước mà bản thân chưa rõ nông, sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi, người mới biết bơi nên mang theo phao, đi cùng với những người giàu kinh nghiệm bơi lội. Đặc biệt, mỗi người trước khi xuống nước tránh ăn no, không uống rượu, chỉ đi bơi ở nơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ.

Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Nhằm hạn chế các tai nạn đáng tiếc, mỗi gia đình cần nêu cao ý thức tự bảo vệ bản thân và con em mình, không tự ý đến các sông hồ, những nơi đã được cảnh báo nguy hiểm để bơi lội, chèo thuyền… Bên cạnh đó, các nhà trường, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống đuối nước, cắm biển cảnh báo và có lực lượng chốt trực ở khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, phụ huynh phải tăng cường quản lý con em mình, nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước trong dịp hè.