Hàng không xin hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về chủ trương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về đề xuất gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về chủ trương và đề nghị các Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Đây là quan điểm được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nêu ra rại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ, chiều qua, 28/9.

Các hãng hàng không đề nghị gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, đại dịch đã làm cho ngành hàng không thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng và suy giảm ở mức độ thưa từng thấy trong lịch sử của ngành.

Nhiều khoản chi phí cố định vẫn phải chi trả trong khi doanh thu giảm khiến cân đối dòng tiền khó được đảm bảo, khiến tính thanh khoản bị giảm, nhiều khoảnnợ không thể được thanh toán đúng hạn. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80-90%.

Ông Bùi Doãn Nề cũng cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước và ngành Ngân hàng đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không, góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành.

Các ngân hàng thương mại đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn; đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho hãng Vietnam Airlines mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Pacific Airlines đã được vay 50 tỷ để hỗ trợ thanh khoản.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, việc khoanh, dãn nợ cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng không đã giúp các doanh nghiệp khắc phục được một phần những khó khăn về tính thanh khoản.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cũng cho biết, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng).

Theo báo cáo của các hãng hàng không, nhu cầu tín dụng mà các hãng hàng không đề xuất hỗ trợ là trên 30.000 tỷ đồng (Vietnam Airlines 10.000 - 12.000 tỷ đồng; VietJet Air trên 10.000 tỷ đồng; Bamboo Airlines 5.000 tỷ đồng; Pacific Airlines 5.700; Vietravel 1.000 tỷ đồng).

Các hãng hàng không tư nhân muốn được cơ chế ưu đãi tín dụng như Vietnam Airlines

Các hãng hàng không tư nhân muốn được cơ chế ưu đãi tín dụng như Vietnam Airlines

Trên cơ sở đó, các hãng hàng không đề xuất ngành ngân hàng 2 gói vay như sau:

Thứ nhất, đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.

Cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn: 3 - 4 năm.

Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về chủ trương

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng.

Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietnam Airlines, các TCTD gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), đã thực hiện giải ngân cho Vietnam Airlines theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết của Chính phủ.

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát tình hình, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời có các điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống.

NHNN cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời xem xét nới room tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên cơ sở các TCTD phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.

Đối với các giải pháp vượt thẩm quyền của NHNN (gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của NHNN đối với TCTD cho vay các hãng hàng không), NHNN ủng hộ về chủ trương và đề nghị các Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.