Hàng không Việt Nam trong bối cảnh "mở rộng bầu trời"

ANTĐ - Trong những năm gần đây, thị trường hàng không Việt Nam đã có những bước chuyển đáng ghi nhận về môi trường đầu tư kinh doanh phát triển thị trường nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức mới trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Làm thế nào để tạo lập được một cơ chế pháp lý phù hợp, một môi trường thông thoáng để tạo đà phát triển mang tính đột phá hơn nữa cho thị trường Hàng không ở Việt Nam đang là vấn đề cần thiết.

Trong chương trình Đối thoại chính sách được phát trên VTV1-Đài truyền hình Việt Nam tối qua, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam – Bộ GTVT, ông Nguyễn Đức Tâm – Phó tổng giám đốc Vietjet Air và ông Lương Hoài Nam – Chuyên gia hành không, người có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh Hàng không đã cùng bàn luận vấn đề này.

Nếu như trước kia, việc di chuyển bằng phương tiện máy bay được xem là xa xỉ thì hiện tại, với sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân, sự đa dạng hóa giá vé máy bay, người dân ở tầng lớp nào cũng có thể đi lại bằng máy bay. Theo ông Lại Xuân Thanh, trước đây, khi mới ra đời, trong xã hội có tồn tại sự phân biệt hàng không giá rẻ và hàng không truyền thống, tuy nhiên hiện nay sự phân biệt này đã không còn. Thậm chí nhiều người từng nghĩ rằng, bay giá rẻ thì không an toàn, điều này hoàn toàn sai lầm.

Theo ông Thanh, tiêu chuẩn an toàn không phân biệt giá rẻ hay giá của hãng truyền thống. Đối với hàng không thì an toàn là số 1, nếu tiết kiệm 1 đồng thì đôi khi có thể mất 1 triệu đồng, hoặc mất tất cả. Vì vậy, các hãng hàng không giá rẻ cũng không dám vi phạm tiêu chuẩn an toàn và nhà nước không cho phép vì giá rẻ mà mất an toàn.

Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra là, hiện nay, dù đã có sự đa dạng giá vé nhưng hàng không tại Việt Nam vẫn phải chịu sức ép lớn trước hàng không quốc tế và hàng không trong khu vực và dù đã “mở rộng bầu trời” cho các hãng tư nhân tham gia thị trường nhưng vẫn có nhiều hãng hàng không tư nhân “chết yểu”.

Hàng không Việt Nam trong bối cảnh "mở rộng bầu trời" ảnh 1

Nói về vấn đề này, theo ông Lương Hoài Nam, giá thành các hãng hàng không ở Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn giá các hãng hàng không quốc tế và trong khu vực. Trong kinh doanh, yếu tố chi phí, giá thành là rất quan trọng nên đây  là một thách thức không nhỏ đối với hàng không tại Việt Nam.  

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, khó khăn của hàng không tư nhân non trẻ là phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có đến 80% yếu tố khách quan mà các hãng không thể tự quyết định. Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Tâm cho rằng, hiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng. Về sân bay, muốn kinh tế, máy bay quay vòng thật nhanh, trong khi đó các sân bay ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng, khiến chi phí các chuyến bay lớn.  Theo ông Tâm, ví dụ về việc chậm chuyến, hủy chuyến, những yếu tố do bản thân hãng hàng không gây ra chiếm một phần rất nhỏ, chỉ khoảng 5%, nhưng có đến 95% là yếu tố khách quan.

Ông Tâm cũng đề xuất rằng, để các hàng hàng không tư nhân có thể phát triển, phải tìm cách chống độc quyền. Ở các khu vực sân bay, hầu như các dịch vụ thuộc các công ty khác, cần mở rộng hơn nữa cho các hãng hàng không có thể tự mình làm dịch vụ thì giá thành sẽ giảm nữa.

Cùng bàn về giá thành bay, ông Lương Hoài Nam cho rằng, hầu hết ta vẫn phải thuê máy bay của nước ngoài, việc mua máy bay của ta cũng khác so với các nước khác. Hãng hàng không của Việt Nam mua ít máy bay hơn nước ngoài nên giá sẽ cao hơn. Chi phí xăng dầu máy bay của chúng ta vẫn đắt hơn xăng dầu ở Thái Lan, Malaysia, chi phí mặt đất của ta cũng đắt hơn.

Không đồng tình với quan điểm trên, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, những năm gần đây đã xóa bỏ được độc quyền trong hàng không,  nên tất cả là do năng lực cạnh tranh. Hiện tại, tất cả mọi dịch vụ, chi phí bảo dưỡng các máy bay của Việt Nam đều phải mua từ nước ngoài, nên giá thành chắc chắn cao. Còn về việc chậm chuyến, hủy chuyến, ông Thanh cho rằng, có đến 80% là do khách quan, trong đó không thể kể đến thời tiết, hãng hàng không không đảm bảo kỹ thuật. Các hãng hàng không ít máy bay hơn thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn.

Về việc chậm chuyến, hủy chuyến, ông Hoài Nam cũng đề xuất rằng Cục hàng không Việt Nam nên có thống kê, định kỳ hàng tháng việc chậm, hủy chuyến và có lý do vụ thể cho sự cố này.

Trước sự việc, mặc dù nhà nước đã có chủ trương khuyến khích các hãng hàng không tư nhân tham gia thị trường, nhưng vẫn có nhiều hãng hàng không bị thua lỗ, nợ nần và ngừng hoạt động, ông Lại Xuân Thanh cho biết, về chủ trương,  nhà nước đã cho phép thành phần tư nhân tham gia, tạo cơ chế bình đẳng cho các hãng hàng không. Bộ GTVT cũng đưa chính sách không hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với các hàng hàng không tư nhân.

Còn việc các hãng phá sản là do nguyên nhân chủ quan là chọn sản phẩm sai lầm. Ví dụ, một hãng hàng không mà chỉ có 1 -2 tàu bay thì không bao giờ có thể khai thác để có lãi. Giải thích điều này, ông Thanh cho rằng, đối với các hãng hàng không này, máy bay phải đi thuê nước ngoài, nước ngoài chịu trách nhiệm về khai thác, bảo dưỡng, hệ thống quản trị kinh doanh... thì không bao giờ kinh doanh có lãi được. Còn lý do khách quan là do: thị trường gặp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, bên cạnh đó là các hãng phải đi thuê nhân lực từ nước ngoài, còn tại Việt Nam, hệ thống đào tạo huấn luyện chưa đủ để cung cấp nguồn nhân lực cao cho vận chuyển hàng không.

Ông Hoài Nam cũng cho rằng, những hãng hàng không ngừng hoạt động, không tồn tại được không phải do lỗi của chính sách vì chính sách đã hoàn toàn khuyến khích các hãng hàng không tư nhân, thậm chí còn mong muốn các hãng quay lại hoạt động. Nếu nhìn ra thế giới, nhiều hãng hàng không thua lỗ nhưng họ không ngừng hoạt động, họ vẫn tiếp tục huy động vốn. Thực tế thì, hàng không là môi trường đầu tư rất hấp dẫn với các nhà đầu tư trong ngoài nước, nhưng các hãng hàng không ở Việt Nam không tìm được nhà đầu tư, không gây được sự tin tưởng để các nhà đầu tư đầu tư vào. Lý giải kỹ hơn về việc các hãng hàng không ở Việt Nam không thu hút được nhiều đầu tư, ông Nam cho rằng, các hãng hàng không ở Việt Nam chọn mô hình kinh doanh không chuẩn, lựa chọn dòng máy bay cũng không đúng với mô hình có thể tồn tại và phát triển được và quản trị kinh doanh cũng không tốt.

Là một trong những hãng hàng không tư nhân đang phát triển, ông Nguyễn Đức Tâm chia sẻ, điều quan trọng nhất là chiến lược kinh doanh những người chịu trách nghiệm. Theo ông nguồn lực tài chính quan trọng nhưng không phải tất cả, mà phải xác định được hướng đi lâu dài, phải sống được khi vẫn lỗ. Với tư cách là một hãng bay tư nhân, ông Đức Tâm bày tỏ mong muốn nhà nước cần quyết liệt hơn nữa các chính sách chống độc quyền ở các khâu dịch vụ hàng không.  

Trước những khó khăn, thách thức trên của các hãng hàng không ở Việt Nam, ông Lương Hoài Nam cho rằng, cần phải cổ phần hóa doanh nghiệp hàng không để có tiềm lực vốn mạnh hơn. Cổ phần hóa tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Nam cũng cho rằng, đến thời điểm nào đó, nhà nước sẽ có thể nắm một vài sân bay quốc tế còn các sân bay ở địa phương có thể cổ phần hóa. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề xuất rằng, cần phải có trường đạo tạo phi công bài bản để nâng cao nguồn nhân lực cho Việt Nam, giảm được giá thành khi phải thuê nhân lực nước ngoài.

Ông Xuân Thanh cũng cho rằng, về các chính sách, Bộ GTVT cũng đang thực hiện quyết liệt chỉ đạo cổ phần hóa. Trong năm nay, ít nhất xây dựng đề án xây dựng cổ phần hóa một sân bay nào đó. Về vấn đề độc quyền, ông Thanh cho biết thêm, dịch vụ hàng không hiện nay là tư nhân cung cấp. Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các hãng tự cung cấp dịch vụ cho mình nhưng đó là tại các cảng hàng không có điều kiện, còn cảng hàng không địa phương thì không thể nào tự cung cấp, nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ này sẽ phải chịu giá nhà nước bắt buộc, và giá sẽ thấp.

Ông Thanh cũng cho biết, kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn về sửa đổi luật hàng không Việt Nam, nhiều đại biểu quan tâm về bỏ hay không bỏ giá trần. Theo ông Thanh, đây là vấn đề khá nhạy cảm. "Nhà nước không muốn giữ trần giá mà xuất phát từ lợi ích các hãng và từ khách hàng. Hiện nay, việc áp dụng giá trần nhưng các hãng vẫn giữ giá linh hoạt. Nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ tự do hơn nhưng sẽ ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng", ông Thanh nói.