Hàng không thế giới trước thách thức phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo sự phục hồi của ngành hàng không phụ thuộc vào tốc độ dỡ bỏ hạn chế đi lại và chỉ đến năm 2023, hàng không mới trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. 

Khu vực đỗ tại sân bay Bournemouth, Anh chật ních máy bay của hãng hàng không British Airways

Đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động hàng không trên toàn cầu bị đình trệ trong những tháng qua. Tuy nhiên, ngành hàng không châu Âu đang dần nối lại hoạt động, khi biên giới được mở cửa trở lại. Các chuyến bay quốc tế tới Trung Quốc hay các quốc gia khác ở châu Á cũng đã được thực hiện. Dù vậy, ngành hàng không ở các khu vực khác như Mỹ Latinh, nơi dịch vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục đối mặt với bài toán sinh tồn.

Năm 2023: Ngành hàng không mới trở lại 

IATA cho rằng, sự phục hồi của ngành hàng không châu Âu không chỉ phụ thuộc vào tốc độ dỡ bỏ những hạn chế mà còn phụ thuộc vào mức độ lo ngại về sức khỏe khiến người dân e ngại việc đi lại. IATA nhận định sự phục hồi sẽ bắt đầu với hoạt động hàng không nội địa, sau đó là trên phạm vi lục địa, và chuyến bay liên lục địa vào cuối năm. Theo IATA, chỉ đến năm 2023, lĩnh vực này mới trở lại mức trước đại dịch. IATA dự báo cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ khiến ngành hàng không toàn cầu thiệt hại kỷ lục 84 tỷ USD, khi năm 2020 được ghi nhận là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. 

Giữa lúc hoạt động đi lại bằng đường không đang dần phục hồi ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, các hãng hàng không đang bắt đầu đánh giá những thiệt hại sau nhiều tuần ngừng hoạt động, núi nợ ngày càng lớn và triển vọng nhu cầu ảm đạm. Thậm chí tại nhiều thị trường, nơi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh, các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với một loạt hạn chế đi lại chưa được dỡ bỏ hoàn toàn và tâm lý thận trọng của người tiêu dùng. IATA dự đoán lợi nhuận của ngành hàng không trong năm 2021 sẽ giảm thêm 15,8 tỷ USD, nâng tổng mức thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra lên khoảng 100 tỷ USD, trong bối cảnh sự phục hồi của hoạt động đi lại vẫn khá thấp so với mức trước khủng hoảng, và các hãng hàng không buộc phải giảm giá vé để kích cầu đi lại. 

Theo IATA, lưu lượng đi lại bằng đường hàng không trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng 55% so với mức đáng thất vọng của năm nay, song vẫn thấp hơn 29% so với mức của năm 2019. IATA kêu gọi Chính phủ các nước hạn chế các biện pháp cách ly, gây cản trở hoạt động đi lại, đồng thời cho rằng những biện pháp an toàn trên máy bay, bao gồm việc yêu cầu hành khách đeo khẩu trang là đủ.

Southwest Airlines đỗ máy bay tại sân bay vận tải Southern California, Mỹ trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát

Châu Âu - Châu Á: Bắt đầu hồi phục

Sau khi rơi vào tình trạng gần như đình trệ hoàn toàn vì các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, ngành hàng không châu Âu đang từng bước khôi phục hoạt động. Hầu hết những hạn chế đi lại ở châu Âu đã được dỡ bỏ và bắt đầu từ ngày 1-7, công dân từ 15 quốc gia được phép vào châu Âu. Mỹ, Nga và Brazil, những nước mà dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh, không nằm trong danh sách này. 

Theo Eurocontrol - cơ quan quản lý không lưu của châu Âu, tại châu lục này, trong tuần từ ngày 15 đến 21-6, trung bình 7.706 chuyến bay đã được thực hiện mỗi ngày, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các biện pháp phong tỏa đã khiến hoạt động vận tải bằng đường hàng không trong tháng 4 giảm 94,3%, tính theo số km mà hành khách đã đi. Tuy nhiên, IATA nhận định các hãng hàng không châu Âu sẽ lỗ 21,5 tỷ USD trong năm nay, trong khi đạt lợi nhuận 6,5 tỷ USD trong năm ngoái. Cơ quan này cho rằng, 6-7 triệu lao động liên quan đến ngành hàng không đang bị đe dọa. Các hãng hàng không và các doanh nghiệp khác trong ngành này bắt đầu cắt giảm việc làm. 

Trong khi đó, các hãng hàng không quốc tế đang nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục khi nước này nới lỏng phong tỏa hàng không bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, Hãng hàng không Lufthansa của Đức đã nối lại các chuyến bay từ Frankfurt đến Thượng Hải theo lịch trình mỗi tuần một chuyến. Các chuyến bay Áo - Thụy Sỹ - Trung Quốc cũng dự kiến sẽ được nối lại trong thời gian tới. Đầu tháng 6-2020, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế hàng không khi tình hình dịch bệnh ở nước này lắng dịu. Hiện nay, bất kỳ hãng hàng không quốc tế nào đủ điều kiện cũng có thể khai thác một chuyến bay chở khách hàng tuần đến Trung Quốc.

Hãng hàng không quốc gia Malaysia (Malaysia Airlines) cho biết sẽ nối lại nhiều chuyến bay quốc tế trong tháng 7-2020. Malaysia Airlines cho hay, hãng đã tăng cường năng lực kết nối và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi đường bay quốc tế trong bối cảnh một số quốc gia ghi nhận kết quả tích cực trong việc đối phó với Covid-19 và có kế hoạch dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới.

Theo Malaysia Airlines, trong tháng 7, hãng sẽ nối lại các chuyến bay từ Kuala Lumpur đến một loạt quốc gia, bao gồm Bangladesh, Nepal, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore và Philippines. Dự kiến, đến tháng 10, hãng sẽ khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế của mình.