Hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc

ANTĐ - Buổi lễ chuyển giao chiếc Varyag diễn ra tại cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc của Trung Quốc.

Trong lễ chuyển giao chiếc tàu mang tên Varyag, quốc kỳ Trung Quốc và cờ của quân đội nước này được treo cao ở mũi tàu, trong khi màu sắc đặc trưng của hải quân Trung Quốc được thể hiện ở đuôi tàu.

Tàu sân bay Varyag. Ảnh: Chinanews
Tàu sân bay Varyag. Ảnh: Chinanews

Một buổi lễ khác đánh dấu việc tàu sân bay Varyag chính thức hoạt động sẽ được tổ chức trong tương lai. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa có thông cáo nào về buổi lễ chuyển giao hôm nay.

Bắc Kinh hồi năm ngoái xác nhận việc làm mới chiến hạm cũ thời Xô viết, đồng thời liên tục nhấn mạnh rằng hàng không mẫu hạm này không phải là mối đe dọa đối với các nước láng giềng, bởi nó sẽ được sử dụng chủ yếu cho các mục đích nghiên cứu và huấn luyện.

Tuy nhiên, hàng loạt cuộc chạy thử trên biển của tàu sân bay Varyag, hiện được đánh số hiệu 16, từ tháng 8/2011 đã thu hút sự quan tâm từ các cường quốc như Nhật và Mỹ. Hai nước này từng yêu cầu Bắc Kinh giải thích vì sao lại cần có một tàu sân bay.

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc ảnh 2
Một ụ súng thuộc hệ thống phòng thủ bên trong (CIWS) Type 1030, được coi là lá chắn phòng thủ trong cùng của tàu sân bay Varyag. Hệ thống này gồm 10 nòng súng 30 mm. Có 3 ụ súng như thế này được bố trí 2 ở phía trước và 1 ở phía sau. Ảnh: Defencetalk
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc ảnh 3
Đây là FL-3000N Flying Leopard (Phi Báo), hệ thống tên lửa đối không 18 ống được bố trí tại mạn tàu. Hàng không mẫu hạm Varyag có 4 hệ thống như thế này, 2 phía trước, 2 phía sau. Ảnh:Defencetalk
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc ảnh 4
Dàn phóng hỏa tiễn chống tàu ngầm (ASW) 12 nòng trên boong tàu Varyag. Có 2 hệ thống như thế này trên tàu sân bay Varyag và đều được bố trí ở phía đuôi tàu. Ảnh: Defencetalk

Trung Quốc được cho là mua vỏ tàu bọc thép mà không có động cơ, hệ thống điện hay chân vịt từ Ukraina hồi năm 1998, rồi bắt đầu làm mới chiến hạm này tại Đại Liên từ năm 2002. Việc này nhằm hiện thực hóa khao khát sở hữu một hàng không mẫu hạm của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là ông Đặng Tiểu Bình. Nhiều tướng lĩnh Trung Quốc năm ngoái cũng đăng đàn phát biểu rằng nước này đã có thế lực kinh tế lớn mạnh, và cần có tàu sân bay để đáp ứng yêu cầu quốc phòng.

Tàu Varyag được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau. Tàu có thể mang được 26 chiến đấu cơ J-15, 18 trực thăng ASW/SAR Helo (Ka-27) và 4 trực thăng AEW Helo (Z-8, Ka-31). Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, sức mạnh của hàng không mẫu hạm này chưa thể so sánh được với khả năng của các tàu sân bay Mỹ hay một số nước khác.

Lễ chuyển giao tàu sân bay Varyag cho hải quân Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này có tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước láng giềng tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc vừa hoãn lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, do quan hệ hai nước đang xấu đi vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.