Hàng hóa dồi dào, sức mua vẫn thấp

ANTĐ - Với mức âm 0,44% so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24-3 cho thấy, sức mua đang ở mức thấp. 

Nên giảm các loại thuế, phí để kích cầu

Mới đây, khi đi thị sát tình hình kinh doanh của một số siêu thị trong hiệp hội, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội đã không khỏi băn khoăn khi gần 12h trưa, một siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội chỉ có 5 khách tới mua sắm. Phân tích của tình trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân do thu nhập của người dân không theo kịp giá, nhất là trong bối cảnh hiện tại, thu nhập của người dân giảm, thậm chí nhiều người còn mất việc làm. “Tôi đọc trên báo thấy một công nhân kể chuyện, 5 năm trước lương của chị ấy được 800 nghìn đồng/tháng nhưng mua 1 mớ rau muống chỉ 1.000 đồng. Hiện nay lương chị được 3 triệu đồng/tháng nhưng 1 mớ rau muống có giá 10.000 đồng, chứng tỏ lương tăng 5 lần nhưng giá đã tăng tới 10 lần”- ông Vũ Vinh Phú lý giải. Người dân không có tiền nên tổng cầu giảm là tất yếu. 

Theo Tổng cục Thống kê, do nhiều nhóm hàng đã giảm giá nên CPI tháng này giảm mạnh 0,44% so với tháng trước. Trong đó, nhóm có vị trí quan trọng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,96% so với tháng 2-2014. Trên thực tế, trong hơn 2 tháng qua, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã ổn định ở mức ngang bằng so với trước Tết, dường như chỉ có mặt hàng rau xanh biến động tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng này cũng giảm, ở mức -0,74% do nhu cầu xây dựng vẫn thấp. Nhóm giao thông và bưu chính viễn thông cũng giảm, đều ở mức -0,03%. Một số nhóm hàng khác như: may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục… có tăng, nhưng mức tăng rất nhẹ, chỉ từ 0,03-0,16%. 

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 3-2014 giảm so với tháng trước là đúng theo quy luật hàng năm, bởi hai tháng đầu năm thường rơi vào đúng dịp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Sang tháng 3, hoạt động mua bán trở lại bình thường nên chỉ số giá giảm. Bên cạnh đó, sức mua của người dân vẫn thấp, hàng hóa trong nước dồi dào nên không có nhân tố thúc đẩy giá tăng. Thống kê giá các năm gần đây cho thấy, mức giảm 0,44% của CPI cả nước trong tháng 3-2014 là mức thấp nhất của tháng 3 trong vòng 11 năm qua. Nếu so sánh với tháng 3-2013, CPI tháng 3-2014 chỉ tăng 4,39%, mức thấp kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long góp ý, đã đến lúc phải đẩy tổng cầu lên bằng cách trọng cung. Tức là thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh, bền vững và ổn định, dựa vào 3 chính sách lớn là: giảm thuế - phí, tạo thị trường vốn thông thoáng và cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp. Đợt giảm lãi suất từ ngày 18-3 được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có thể tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. 

Một chuyên gia kinh tế khác chia sẻ, cần tăng đầu tư công. Bên cạnh đó, kích cầu bằng phát triển dịch vụ như đẩy mạnh du lịch, tăng cường liên kết bán hàng, đưa hàng về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dự báo CPI trong tháng 4-2014 sẽ không tăng cao, ở mức 0,1-0,2% so với tháng này. Các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế ổn định.