Hàng giả là thực phẩm - Nhìn từ pháp luật hình sự

ANTD.VN - Với mong muốn bảo vệ “bữa ăn” và sức khỏe của nhân dân, các cơ quan chức năng đang thể hiện rõ quyết tâm bài trừ “thực phẩm bẩn”. Song nếu chỉ dừng ở quyết tâm thôi thì chưa đủ mà cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc các vi phạm này dưới góc độ hình sự.

Hàng giả len lỏi, người tiêu dùng “bó tay”

Rất dễ để nhận ra “thực phẩm bẩn” hiện nay đang khá phổ biến và tràn lan trên thị trường. Bằng chứng là các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ hoặc triệt phá những tụ điểm, đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất vệ sinh. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đề cập tới một số vụ án hàng giả là thực phẩm và thuốc chữa bệnh.

Điển hình là cuối tháng 4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hoàng Thị Hồng Liên (SN 1982, ở thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) 36 tháng tù về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Liên quan, 2 bị cáo trong vụ án cũng lần lượt bị tuyên phạt những mức án tù có thời hạn.

Trước đó, đầu năm 2015, lực lượng chống hàng giả của CATP Hà Nội phối hợp với một số đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện một xe ôtô tải chở 6 thùng carton chứa tổng cộng 170 hộp thực phẩm chức năng (TPCN) giả là sữa ong chúa của những thương hiệu như Royal Jelly Costar, Collagen.

Lực lượng công an triệt phá một vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả

Mở rộng vụ án, CQĐT đồng loạt khám xét khẩn cấp 6 kho chứa hàng của Liên ở tỉnh Bắc Ninh và thu giữ một số lượng lớn TPCN giả các loại gồm: sữa ong chúa Royal Jelly Costar, nhau thai cừu Placentra Essence, Glucosamin, Collagen + A, E, C cùng nhiều máy móc, nguyên liệu sản xuất hàng giả.

Trong số hàng hóa bị thu giữ, có tới gần 10.000 hộp TPCN giả là sữa ong chúa đã được đóng gói “y chang” hàng thật của một doanh nghiệp chuyên độc quyền phân phối loại sản phẩm này tại Việt Nam. Và toàn bộ số lượng TPCN giả đó đang được Liên lén lút tung ra thị trường. 

Bị xét xử, bị cáo Liên khai nhận, đối tượng kinh doanh TPCN từ cuối năm 2013. Sau đó, Liên nhập khẩu các nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về đóng gói thành các hộp TPCN bán ra thị trường với những thương hiệu nêu trên.

Tai hại hơn, Nguyễn Anh Văn (SN 1982, trú ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư LV France còn cùng đồng bọn sản xuất, buôn bán cả thuốc chữa bệnh giả là thuốc điều trị, dự phòng tai biến mạch máu não và thuốc bổ sung kẽm (Lumbrotine, Zine-Kid).

Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 7 đến tháng 11-2014), Văn và đồng bọn đã “chế” ra 5.000 hộp thuốc Zine-Kid cùng 700 lọ thuốc Lumbrotine tung vào thị trường. Để không bị phát giác, Văn liên tục thay đổi địa điểm sản xuất thuốc chữa bệnh giả. 

Bị đưa ra tòa xét xử, Văn khai nhận để cho ra đời 2 loại sản phẩm thuốc chữa bệnh giả nêu trên, đối tượng tìm mua TPCN, hạt cốm kẽm và hàng chục nghìn viên nang trơn. Tiếp đến, đối tượng đặt in bao bì, vỏ hộp giấy, hướng dẫn sử dụng thuốc, túi nilon nhỏ và tem dán giả thuốc thật.

Ngoài ra, chỉ trong vài tháng gần đây, TAND TP Hà Nội cũng đã xử lý hàng loạt vụ sản xuất mì chính, bột ngọt giả. Trong đó, điểm chung của các vụ mì chính, bột ngọt giả này là nguyên liệu đều được nhập khẩu trôi nổi từ Trung Quốc và nó đã len lỏi vào bữa ăn của hàng vạn gia đình.

Tác hại khôn lường nhưng khó chứng minh

Không ít ý kiến cho rằng sở dĩ nạn hàng giả, đặc biệt là hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh đang khá phổ biến trên thị trường nhưng công tác xử lý không mấy hiệu quả và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Thậm chí, ngay cả khi xử lý bằng hình sự thì tính trừng phạt và răn đe cũng không thật sự được coi trọng.    

Điều đó phần nào được chứng minh qua các vụ án nêu trên. Theo đó, mặc dù sản xuất, buôn hàng giả là TPCN với số lượng lên tới hàng chục nghìn hộp nhưng Hoàng Thị Hồng Liên chỉ bị xử phạt 3 năm tù giam. Còn 2 bị cáo phạm tội với vai trò giúp sức tích cực cho Liên thì cũng chỉ phải nhận từ 20 tháng tù đến 24 tháng tù.      

Hai bị cáo trong một vụ sản xuất thuốc giả bị đưa ra xét xử tại tòa

Ở vụ án Nguyễn Anh Văn cùng đồng bọn cũng vậy. Mức án cao nhất áp dụng với bị cáo cầm đầu, khởi xướng và giữ cả vai trò thực hành tội phạm cũng chỉ là 36 tháng tù. Cá biệt, có bị cáo cùng vụ án chỉ bị áp dụng 18 tháng tù và được án treo. Trong khi ấy, kết quả điều tra cho thấy ổ nhóm của Văn đã cho “ra lò” hàng nghìn hộp thuốc chữa bệnh giả.

Nhìn nhận về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 157 của BLHS hiện nay thì: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Điều đó có nghĩa là chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh hoặc thuốc phòng bệnh là đã bị phạt tù thấp nhất 2 năm và cao nhất là 7 năm. Còn nếu tội phạm có tính tổ chức, chuyên nghiệp hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì mức phạt tù có thể lên đến 12 năm và thấp nhất là 5 năm. Và theo khoản 4 của điều luật thì hình phạt là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cũng theo luật sư Thanh, với quy định của pháp luật nêu trên thì rõ ràng chế tài đối với loại tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh là rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, loại tội phạm này hiện vẫn có chiều hướng gia tăng, gây tâm lý lo lắng, hoang mang đối với người dân.

Sở dĩ như vậy là có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do lợi nhuận cao nên các đối tượng bất chấp hậu quả đối với xã hội và đối với chính bản thân mình. Bởi nếu chỉ bỏ ra 1 đồng sản xuất thuốc giả thì có thể thu lợi bất chính tới hàng nghìn lần. Con số này còn cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được từ việc mua bán ma túy.

Bên cạnh đó còn phải kể đến là việc áp dụng các tình tiết định khung và hình phạt đối với những người phạm tội thường không tương xứng với tính chất, mức độ tội phạm. Vì thực tiễn các vụ án được đưa ra xử lý gần đây phần lớn chỉ bị áp dụng theo khoản 1, Điều 157-BLHS (mức khởi điểm), trong khi khối lượng, giá trị hàng hóa giả lại khá lớn.

Đặc biệt, theo pháp luật hình sự thì phải chứng minh được hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mới có căn cứ truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Trong khi ấy, đa phần thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả lại không gây ra hậu quả một cách tức thì về mặt sức khỏe. Tác hại mà nó gây ra thường âm ỉ, kéo dài và khôn lường.

Về phần mình, một thẩm phán TAND TP Hà Nội chia sẻ, việc truy tố và xét xử các vụ án hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh gần đây chủ yếu mới chỉ đánh giá được hậu quả phần nào về mặt kinh tế (giá trị hàng hóa bị làm giả và thu lời bất chính). Còn về sức khỏe con người cũng như những thiệt hại kinh tế của người tiêu dùng thì rất khó “cân đong đo đếm”.

Do đó, cho dù có bức xúc, lo ngại trước vấn nạn hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh đến mấy thì các HĐXX và tòa án cũng khó lòng mà áp dụng một mức án thật nghiêm khắc đối với những người phạm tội. Bởi như thế sẽ không bảo đảm được các nguyên tắc xét xử.