Hàng giả, hàng nhái vẫn tung hoành trên "chợ mạng"

ANTD.VN - Dù cơ quan quản lý, các sàn thương mại điện tử, cũng như các doanh nghiệp ra sức chống lại hàng giả, hàng nhái, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến  vô cùng phức tạp cùng thủ đoạn ngày càng tinh vi...

Rao bán công khai

Khảo sát trên một số trang thương mại điện tử hiện nay, ngoài gian hàng chính hãng của các sàn (như Lazmall, ShopeeMall, SenMall...) thì tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng có dấu hiệu mập mờ về thông tin nguồn gốc sản phẩm... vẫn khá phổ biến. Chẳng hạn vào mục tìm kiếm trên một số sàn thương mại điện tử, gõ cụm từ “túi xách nữ” sẽ cho ra nhiều sản phẩm có gắn mác các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel, LV... với giá bán siêu rẻ, chỉ từ 55 - 200 nghìn đồng/chiếc. Trong khi trên thực tế, giá trị của những chiếc túi chính hiệu lên tới hàng nghìn USD. 

Ngoài ra, phụ kiện, quần áo, giày dép các thương hiệu nổi tiếc khác cũng được đăng bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Đó là chưa kể, nhiều dòng hàng hóa khác được giới thiệu là “no brand” (không nhãn hiệu) nhưng có họa tiết, kiểu dáng... giống hệt với các thương hiệu nổi tiếng cũng được bày bán công khai. Đáng nói, những món hàng này vẫn có khá nhiều khách hàng mua vì giá thành rẻ và kiểu dáng tương đối bắt mắt.

Thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến nhiều nhãn hàng gặp không ít khó khăn. Đại diện hãng Nike cho biết, với 3 nhãn hàng của hãng này là Nike, Converse, Jordan, tỷ lệ hàng giả, hàng nhái rất nhiều và không khó để phát hiện. Chính hãng này đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên, mua hàng trên mạng theo khung giá tối thiểu, dưới 1,2 triệu đồng/đôi đối với giày Nike; dưới 900 nghìn đồng/đôi với giày Converse và dưới 500 nghìn đồng đối với quần áo Nike. Kết quả cho thấy, 100% giày Converse và quần áo Nike dưới mức giá tối thiểu trên đều là hàng giả, chỉ có duy nhất 1 đôi giày Converse có mức giá như trên là giày thật do người này mua được hàng giảm giá.

Đại diện hãng này cũng cho biết, chỉ trong vòng 4 tháng gần đây, từ tháng 6 đến tháng 10-2019, đã có 216 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử bán sản phẩm giả thương hiệu Nike bị xử lý. Đáng nói, gần đây trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã xuất hiện nhiều gian hàng do người Trung Quốc làm chủ. Họ không có kho hàng tại Việt Nam, khách đặt bao nhiêu sẽ đưa trực tiếp từ nước ngoài về.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP có quy định mức xử phạt 40-50 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhưng cơ quan quản lý khó xử lý khi chưa đủ căn cứ do 100% giao dịch trên mạng không có hóa đơn chứng từ, khó mà lần ra ai cung cấp hàng hóa.

Thừa nhận thực trạng này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hồi tháng 4-2019, 5 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam là: Adayroi.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn đã ký cam kết không bán hàng giả, hàng nhái, tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn nhận được thông tin trên các sàn này còn hàng giả, hàng nhái. Trên các sàn thương mại điện tử là như vậy, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các website, mạng xã hội còn phức tạp, khó kiểm soát hơn nhiều.

Chỉ cần nhập tên các thương hiệu nổi tiếng kèm các cụm từ “like auth”, “fake 1”… là sẽ ra hàng loạt kết quả với các bài bán hàng, status quảng cáo. Các sản phẩm này được rất nhiều người đăng bán công khai trên các mạng xã hội như Facebook hay Zalo khiến các mạng xã hội này vô tình trở thành một cái “chợ” hàng giả, hàng nhái khổng lồ.

Thủ đoạn tinh vi

Cũng là doanh nghiệp từng khổ sở với tình trạng hàng giả, hàng nhái, ông Lý Thành Công - Trưởng phòng kỹ thuật bảo hành, chống giả thuộc Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Tây (đơn vị phân phối các sản phẩm CASIO chính hãng) cho biết, số lượng máy tính, đồng hồ CASIO giả bị phát hiện, tịch thu đến nay khá lớn. Tuy nhiên, qua những đợt kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, người kinh doanh máy tính, đồng hồ CASIO giả đã có thêm nhiều thủ đoạn đối phó vô cùng tinh vi.

Cụ thể, khi quảng cáo, người kinh doanh các sản phẩm CASIO giả sẽ dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng, nhưng lúc giao hàng lại là hàng nhái, hàng giả mà nhiều khi người mua không thể phân biệt được. Để “lách” bộ lọc kỹ thuật của các sàn thương mại điện tử, người bán hàng giả, hàng nhái thường dùng các thủ thuật như thay đổi tên sản phẩm như CASIO (nền đen chữ trắng), CASLO, CASID, thay vì là CASIO (chữ đen, không nền).

Còn theo khảo sát của phóng viên, khi tìm kiếm các sản phẩm bằng tên hãng hay tên thương hiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử thì hầu như không tìm thấy các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu, nhưng nếu tìm bằng các cụm từ như “giày nữ”, “giày nam”, “túi xách nữ”… thì vẫn sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm giá rẻ. Đây cũng chính là một chiêu để các gian hàng né sự kiểm soát của các sàn.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, thủ đoạn hoạt động của đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Trong khi đó, khó nhận biết được hàng hóa thật - giả trên mạng vì các đối tượng thường đưa hình ảnh và thông tin sản phẩm là thật nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái. Điều đáng nói, Nghị định 185/2013/NĐ-CP có quy định mức xử phạt 40-50 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhưng cơ quan quản lý khó xử lý khi chưa đủ căn cứ do 100% giao dịch trên mạng không có hóa đơn chứng từ, khó mà lần ra ai cung cấp hàng hóa.

Cần nâng cao trách nhiệm các sàn thương mại điện tử

Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái thời gian qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng vào các sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, việc chống hàng giả, hàng nhái cũng được các sàn đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Phía Shopee cho biết, với vai trò là đơn vị cung cấp không gian cho cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, đơn vị này không dung túng, không hỗ trợ, không khuyến khích hay tiếp tay cho hành vi kinh doanh sản phẩm sai phạm.  Khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có cơ sở rao bán hàng giả, nhái trên Shopee, đơn vị này sẽ có những biện pháp cứng rắn như khóa sản phẩm vi phạm, khóa vĩnh viễn tài khoản hoặc báo cáo cơ quan chức năng, tùy mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể.

Tương tự, Lazada cũng cho biết, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả, kém chất lượng, sàn sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng. Sendo cũng khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng, truyền thông để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm nhằm hướng đến việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Đặc biệt, để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, ngày 18-12 vừa qua, Bộ Công Thương đã khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử” và lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” lần 2. Bộ Công Thương cho biết, hệ thống bao gồm 3 phân hệ chính là: Hệ thống quản lý và giám sát hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn - Dịch vụ công mức độ 4 được nâng cấp, hoàn thiện thay thế cho Cổng online.gov.vn (triển khai từ năm 2013).

Tiếp theo là Hệ thống thông tin, cảnh báo, hỏi đáp trực tuyến và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử tại địa chỉ: chonghanggia.online.gov.vn và Hệ thống báo cáo trực tuyến về tình hình hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp tại địa chỉ baocao.online.gov.vn.