Hãng công nghệ Huawei Trung Quốc đứng đầu về tài trợ du lịch nước ngoài cho chính trị gia Australia

ANTD.VN - Công ty công nghệ toàn cầu Huawei đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất trong các chuyến du lịch nước ngoài của các chính trị gia Australia. Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố vào thời điểm chính quyền Canberra chuẩn bị đưa ra một quyết định quan trọng về tương lai kỹ thuật số của Australia.

Hãng công nghệ Huawei Trung Quốc đứng đầu về tài trợ du lịch nước ngoài cho chính trị gia Australia ảnh 1Australia cân nhắc loại Huawei ra khỏi việc cung cấp hạ tầng viễn thông 5G vì lo ngại đến vấn đề an ninh quốc gia

Nghiên cứu dựa trên 12 chuyến đi của các chính trị gia Liên bang Australia khi đến thăm trụ sở của Huawei ở TP Thâm Quyến, phía Nam Trung Quốc. Chi phí bao gồm chuyến bay hạng thương gia, du lịch nội địa, ăn ở miễn phí, trong khi mỗi chuyến bay quốc tế này có thể mất đến cả chục nghìn USD, được Huawei tài trợ toàn phần hoặc một phần.

Tài trợ du lịch theo hình thức “tham quan học tập”

Theo khảo sát của Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), từ năm 2010 đến nay, Huawei đã tài trợ 12 trong tổng số 55 chuyến đi cho các chính trị gia liên bang được các công ty chi trả. Những chính trị gia nằm trong danh sách này có thể điểm tên Ngoại trưởng Julie Bishop; Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo; cựu Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb…

Phóng sự điều tra của Hãng ABC cho biết, 3 trong số 12 nhân vật này trả lời qua E-mail rằng họ đã tham gia các chuyến tham quan học hỏi bao trọn gói theo lời mời của Huawei và các nhóm vận động hành lang Trung Quốc khác để kiểm tra sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Huawei cũng tài trợ gần gấp đôi số chuyến đi đến Trung Quốc trong thời gian này so với Chính phủ Trung Quốc, vốn chỉ hỗ trợ 7 chuyến đi, báo cáo của ASPI cho biết.

Việc mời các chính trị gia đi du lịch theo hình thức “tham quan học tập” không có gì là bất hợp pháp, kể cả những chính trị gia chấp nhận những chuyến đi như vậy. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hãng công nghệ Huawei thu hút sự chú ý về việc này. Vào năm 2012, truyền thông Anh đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nỗ lực của Huawei trong việc tham gia vào cơ sở hạ tầng truyền thông của Anh với một loạt các chuyến đi nước ngoài cho các Nghị sĩ. 

Phản ứng về việc này, Giám đốc Truyền thông của Huawei Australia, Jeremy Mitchell nói: “Huawei không xin lỗi khi muốn làm cho mọi người hiểu rõ hơn chúng tôi là ai và chúng tôi làm gì. Huawei minh bạch về những chuyến du lịch như vậy. Chúng tôi công khai mời các phương tiện truyền thông, nhà kinh doanh, chuyên gia cố vấn và các chính trị gia đến thăm chúng tôi và hiểu chúng tôi tốt hơn. Càng nhiều người chứng kiến và trải nghiệm sự đổi mới hàng đầu thế giới mà Huawei đang cung cấp, mọi người sẽ càng hiểu về lợi ích chúng tôi mang đến cho đất nước Australia”.

Động cơ bị nghi ngờ

Báo cáo của ASPI được đưa ra giữa lúc Chính phủ nước này đang tranh luận về việc liệu tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc có được phép cung cấp thiết bị cho mạng truyền thông thế hệ tiếp theo - 5G hay không. Một số chính trị gia đã kêu gọi cấm công ty này do lo ngại an ninh quốc gia. Dự kiến trong vài tuần tới, Ủy ban An ninh Quốc gia của Nội các sẽ quyết định về việc loại một số công ty ra khỏi mạng 5G. 

“Thủ tướng Australia sắp đưa ra một trong những quyết định lớn nhất trong năm về việc liệu Huawei có thể tham gia vào mạng 5G hay không. Vì vậy, tất nhiên sự tài trợ của Huawei cho tất cả các chuyến đi cho chính trị gia Australia đặt ra câu hỏi rằng họ đang cố làm gì và muốn tác động đến nền chính trị Australia như thế nào”, ông Fergus Hanson, Giám đốc Trung tâm Mạng quốc tế thuộc (ASPI) cho biết. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nó làm dấy lên câu hỏi liệu các chính trị gia có nên chấp nhận bất kỳ chuyến đi nào từ các doanh nghiệp hay không khi đi du lịch đến các nước khác... đặc biệt là khi có những lo ngại về an ninh quốc gia nghiêm trọng”.

Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba, sau Samsung và Apple. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn luôn bị nghi ngờ về các mối liên hệ với Chính phủ Trung Quốc, bao gồm các cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp do Nhà nước bảo trợ.

Vào năm 2012, Huawei đã bị cấm tham gia vào mạng lưới băng thông rộng quốc gia của Australia (NBN) theo lời khuyên của Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO). Hồi tháng 2-2018, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã được phía Mỹ bày tỏ lo ngại về sự tham gia của Huawei vào mạng 5G của trong một cuộc họp tại Washington.