Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế

Hàng chục triệu người sẽ được hưởng lợi

ANTĐ - Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế. Đây là lần điều chỉnh lớn các chính sách thuế và sẽ có nhiều ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Dĩ nhiên, mọi chính sách có thể đem lại lợi ích cho nhóm đối tượng này cũng có thể mang lại những thiệt thòi đối với nhóm đối tượng khác. 
Hàng chục triệu người sẽ được hưởng lợi ảnh 1

Minh họa: Internet

Nhiều ý kiến của dư luận cho rằng dự thảo về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế tuy đã được giới thiệu trên các trang mạng, được đưa ra thảo luận tại một số hội thảo, quan trọng nhất là cuộc hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vừa qua, tuy nhiên, sự phổ cập của nó tới các doanh nghiệp - đối tượng điều chỉnh chính vẫn còn rất sơ lược, nhiều doanh nghiệp đã bất ngờ khi đọc thông tin trên báo chí về dự thảo này.

 Vẫn có thể “lách” thuế!

Có lẽ thông tin được dư luận chú ý và nhiều báo đã đưa lên làm title các bài báo là dự thảo này quy định cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất. Theo quy định hiện hành thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Nhưng Luật không quy định miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng. Thực tế lại phát sinh vướng mắc khi bất động sản là tài sản chung của cả chồng và vợ, khi chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng cho con riêng của vợ, chồng thì chỉ được miễn thuế 50% và cá nhân chuyển nhượng hoặc nhận thừa kế, quà tặng phải nộp 50% số thuế. Do đó, nhiều trường hợp cá nhân chuyển nhượng lòng vòng trong gia đình để lách không phải nộp 50% số thuế còn lại này.

Để phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình quy định mối quan hệ giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng cũng được pháp luật công nhận như cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, thống nhất đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng vợ, chồng. Cũng theo dự thảo, mọi bất động sản duy nhất khi chuyển nhượng, không phụ thuộc đối tượng, đều được miễn thuế thu nhập. 

Nhưng dự thảo này còn nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi hàng triệu người. Dự thảo này sẽ sửa đổi, bổ sung cùng lúc 27 nội dung liên quan đến 7 Luật Thuế như Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN); Thuế thu nhập cá nhân; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...

Đối với Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, theo thống kê, tổng số hộ gia đình, cá nhân trên cả nước kê khai nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là hơn 16 triệu hộ, với tổng số thu thuế của các hộ là 1.085,6 tỉ đồng. Trong đó, tổng số hộ có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống là hơn 12 triệu hộ, chiếm 74% tổng số hộ nộp thuế nhưng tổng số thu thuế chỉ là 157,6 tỉ đồng, chiếm 14,5% tổng số thu thuế của các hộ. Với những khoản thu nhỏ bé này, theo Bộ Tài chính, chi phí để thu còn lớn hơn khoản thu được. Vì vậy, dự thảo đề nghị miễn thu. Như vậy sẽ có tới 12 triệu hộ dân được hưởng lợi từ những chính sách đang được đề nghị này. 

Đề xuất còn gây tranh cãi

Điều khoản của Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật Thuế gây tranh cãi nhiều nhất, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhất là những điều khoản liên quan đến miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp còn nợ thuế, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa. Dự thảo này đề xuất xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2013 của người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản tại địa phương mà không thể tìm được người nộp thuế.

Tờ trình của Bộ Tài chính nhận định: Trong những năm vừa qua, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhiều DN kinh doanh thua lỗ không có khả năng nộp thuế đúng hạn; số lượng DN còn nợ thuế tự giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh ngày càng tăng. Đối với nợ khó thu của các cá nhân, hộ kinh doanh thì chủ yếu tồn đọng từ nhiều năm do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ với phạm vi kinh doanh trong các thôn, xóm theo thời vụ không ổn định, làm ăn thua lỗ đã bỏ kinh doanh. Do đó để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội cho phép: Xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phát sinh trước 1-7-2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước 31-12-2015.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số tiền thuế nợ của người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản không theo trình tự của pháp luật đến nay khoảng 9.000 tỉ đồng. Đối với số tiền thuế nợ này cơ quan thuế đã áp dụng hết các biện pháp đôn đốc thu nợ nhưng do người nộp thuế đã bỏ kinh doanh nên cơ quan thuế không thể thu hồi được nợ. Để giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ của DNNN, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung vào Luật Quản lý thuế quy định cụ thể xóa nợ của người nộp thuế trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn Nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu… Số thuế phải xóa ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng.

Như vậy với hai đề xuất này, ngân sách sẽ không thu được tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Dĩ nhiên mọi chính sách miễn giảm thuế đều có mục đích hỗ trợ DN, thành phần quyết định cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Trước đó, từ 2011 - 2013 cơ chế tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế cũng được Chính phủ ban hành. Song, chỉ tập trung gia hạn, miễn giảm thuế ở một số sắc thuế chủ yếu như: Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập DN; Thuế thu nhập cá nhân... Lần này là miễn giảm mọi sắc thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp.

Đã có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Phân loại thế nào là các DN khó khăn, nguyên nhân khó khăn là gì? Ngoài một số doanh nghiệp do khủng hoảng thị trường, do những lý do khách quan thì còn rất nhiều các DN phá sản, ngừng kinh doanh vì những sai lầm trong quản lý, chiến lược kinh doanh, thậm chí phá sản do tham nhũng DN, chiếm đoạt tài sản khách hàng… Nếu các DN này được đối xử như nhau thì sẽ mất công bằng.

Chưa kể, nhiều DN đứng đắn, cố gắng hết sức, thậm chí bán tài sản cá nhân, vay mượn để hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước không được hưởng lợi nhưng nhiều DN chây ì đóng thuế lại được hưởng lợi. Ngoài ra, nếu miễn giảm hàng loạt các khoản thu cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nhưng quan trọng hơn, hiệu quả của các quy định pháp luật sẽ suy giảm nếu chúng ta liên tục luật hóa miễn thu những khoản không thu được hoặc khó thu. Điều này sẽ tạo ra tâm thế chây ì thực hiện nghĩa vụ để chờ những quy định pháp luật mới. Những quy định kiểu này cũng sẽ dẫn đến nhưng khe hở luật để những DN, cá nhân tinh khôn lách thuế, kiếm lợi cá nhân. 

Quốc hội trong phiên họp tháng 10 tới sẽ thông qua Dự thảo Luật Sửa đổi một số điều của các Luật Thuế, nhưng dư luận cũng mong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện luật sẽ cụ thể hơn, giải tỏa được những lo lắng của dư luận.