Hàng chục trẻ em Ấn Độ thiệt mạng vì nhà thầu cắt nguồn cung cấp oxy?

ANTD.VN - Giới chức Ấn Độ cho biết, trong tuần qua, ít nhất 64 trẻ em từ sơ sinh đến 12 tuổi đã tử vong tại bệnh viện của Trường Cao đẳng Y khoa Baba Raghav Das ở thành phố Gorakhpur, bang Utar Pradehs. Đây là thảm họa y tế tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ, làm chấn động toàn thế giới.

Theo bác sĩ R.S. Shukla, Giám đốc Y khoa của Bệnh viện của trường Cao đẳng Y khoa Baba Raghav Das cho biết, có 34 trẻ em đã tử vong ở khoa chăm sóc và hồi sức sơ sinh, 12 em khác tử vong do viêm não, và các ca khác còn lại tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, đồng thời ông cũng phủ nhận việc các em tử vong là do thiếu nguồn cung cấp oxy. Tuy nhiên, một báo cáo được truyền thông địa phương công bố lại cho thấy thảm họa y tế này bắt đầu từ hôm 10-8 vừa qua khi thiếu trầm trọng nguồn cung cấp oxy lỏng từ các nhà thầu cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện này.

Hàng chục trẻ em Ấn Độ thiệt mạng vì nhà thầu cắt nguồn cung cấp oxy? ảnh 1Một bệnh nhi sơ sinh tử vong sau khi bị thiếu ô xy

Lý giải “vì nguyên nhân khác”

Việc nguồn cung cấp oxy bị thiếu đã dẫn tới tình trạng hỗn loạn tại bệnh viện của trường Cao đẳng Y Baba Raghav Das. “Sự hỗn loạn xảy ra khi người thân của các bệnh nhi hoảng loạn cầu cứu sự hỗ trợ của các nhân viên y tế khi các bình oxy đã cạn kiệt. 90 bình oxy loại nhỏ dự phòng, thậm chí các túi thở nhân tạo cũng được đưa vào sử dụng cầm chừng trong ngày 11-8, và đã không còn gì đến lúc 1h sáng 12-8. Thật là địa ngục”, chú của bé gái Vandana, 11 tuổi, đã tử vong tại bệnh viện cho biết.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế bang Utar Pradesh, ông Shidharth Nath Singh xác nhận, ngày 11-8 có 7 bệnh nhi tử vong, 23 bệnh nhi tử vong trong ngày 10-8, 9 bệnh nhi tử vong trong ngày 9-8, 12 bệnh nhi tử vong trong ngày 8-8, 9 bệnh nhi tử vong trong ngày 7-8, và trong ngày 12-8 có thêm 4 bệnh nhi khác tử vong. Nhưng ông này cũng nhấn mạnh rằng, cũng có nhiều nguyên nhân khác khiến các cháu tử vong như hội chứng viêm não cấp tính, viêm não Nhật Bản hay một số bệnh lý khác.

Bệnh viện nợ tiền nhà cung cấp?

Dù nhà chức trách cố tình giải thích theo hướng khác, song người nhà bệnh nhi cho rằng lỗi có thể là do bệnh viện đã không thanh toán đủ công nợ cho công ty cung cấp nguồn oxy lỏng dẫn tới việc cung cấp bị gián đoạn. Cáo buộc này của cha mẹ bệnh nhi ngay lập tức bị giới chức bệnh viện phủ nhận, tuy nhiên họ lại không đưa ra bất kỳ một lời giải thích hợp lý. Còn chính quyền địa phương thì cho biết, đã bắt đầu mở cuộc điều tra liên quan để làm rõ nguyên nhân từng bé tử vong.

Thẩm phán ở thành phố Gorakhpur, ông Rajiv Rautela ngày 12-8 đã xác nhận số tiền nợ của bệnh viện khoảng 6,8 triệu rupee. Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết thêm, họ đã nắm bắt được tình hình ở Gorakhpur và đang tích cực theo dõi cũng như tuyên bố hỗ trợ thiết bị y tế cần thiết để giảm tối đa thảm họa trên. “Chính phủ Ấn Độ phải chịu trách nhiệm về cái chết của các bệnh nhi ở Gorakhpur. Họ cần phải có những hành động kiên quyết để giải quyết vấn đề này”, cựu Thủ hiến Akhilesh Yadav, thành phố Gorakhpur, bang Utar Pradehs nhấn mạnh. Các quan chức hàng đầu của bệnh viện đã bị Bộ Y tế đình chỉ công tác sau khi có kết quả điều tra chính thức liên quan tới việc gián đoạn cung cấp oxy.

Nhà hoạt động vì quyền trẻ em từng đoạt giải Nobel Hòa Bình của Ấn Độ, Kailash Satyarthi đã mô tả vụ việc trên ở bệnh viện Baba Raghav Das là “một vụ thảm sát”. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, vào mùa mưa hàng năm là thời điểm bùng phát dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, muỗi đốt hoặc lây nhiễm qua đường hô hấp. Dù vậy, chính quyền quốc gia Nam Á này chỉ chi khoảng 1% GDP cho dịch vụ y tế công cộng. Ngoài ra, chính sách cải cách y tế lỗi thời, hoạt động y tế quá tải do thiếu y bác sĩ, thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng cũng góp phần khiến con số bệnh nhân tử vong tăng cao.