Quảng Trị:

Hàng chục nhà dân bị nứt toác do thi công cầu, đường

ANTĐ - Do bị tác động của quá trình thi công cầu, đường đoạn qua địa bàn, 18 căn nhà của các hộ dân, 2 căn nhà thờ họ thuộc các thôn Trung Đơn và kim Sanh, xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, Quảng Trị đã bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng.

Hơn 1 năm nay, người dân nơi đây sống trong lo sợ bởi những vết nứt ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi các đơn vị thi công vẫn chưa bồi thường thiệt hại mà người dân đã phải chịu...

Theo người dân và chính quyền địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có liên quan đến quá trình thi công tuyến đường “tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh quốc phòng các vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Trị”. Đây là công trình do BQL dự án đầu tư và xây dựng (Sở GT-VT tỉnh Quảng Trị) làm chủ đầu tư và Công ty xây dựng Thống Nhất (Ninh Bình) là đơn vị thi công.

Được biết, tuyến đường này đi qua địa bàn xã Hải Thành gần 2 km. Trong quá trình thi công, chính quyền địa phương và người dân đã rất thiện chí hợp tác trong việc giải phóng mặt bằng, di chuyển 17 ngôi nhà dân, 1 nhà thờ họ và 274 ngôi mộ ra khỏi phạm vi mặt bằng thực hiện dự án....

Nhà bà Phan Thị Nữ ở thôn Trung Đơn, xã Hải Thành
bị nứt toác nhiều đường do thi công gây ra

Người dân thôn Trung Đơn và Kim Sanh cho biết, trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã làm rạn nứt nhà cửa của 20 ngôi nhà trong đó có 2 nhà thời họ. Căn nhà của bà Phan Thị Nữ, 76 tuổi ở thôn Trung Đơn chỉ cách mặt đường hơn 10m nên bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Đếm sơ bộ, toàn ngôi nhà có chừng 10 vết nứt, trong đó có những vết nứt lớn lòi cả gạch vữa có chiều dài hơn 1m.

“Chúng tôi có lấy xi măng trét nhưng rồi lại toác ra. Nhà này chỉ có 2 vợ chồng già, tiền bạc không có nên nứt chừng nào là vá chừng đó. Vợ chồng già tôi sống không yên bởi căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào vì vết nứt ngày càng lớn”, bà Nữ lo lắng cho biết.

Căn nhà cấp 4 của bà Đào Thị Ánh, 50 tuổi ở thôn Kim Sanh cũng đang rơi vào tình cảnh nứt toác do bị ảnh hưởng bởi chấn động trong quá trình thi công cầu đường gây ra. Bà Ánh cho biết, bà đang sống cùng với mẹ già là bà Nguyễn Thị Cửu, 90 tuổi.

Bà Ánh lo lắng nói: “Nhà cửa hư thì cũng hư rồi, mẹ con tôi cũng gom hết tiền để mua xi măng nhờ người trét lại nhưng cũng không yên tâm. Vùng nơi tôi đang ở là vùng rốn lũ, nếu nhà bị nước ngâm lâu ngày thì chưa biết đổ sập lúc nào. Chúng tôi đã nhiều lần cùng với thôn, xã kiến nghị phía đơn vị thi công bồi thường để có tiền sửa chữa nhà nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tỉnh chi hết”.

Không chỉ nhà dân bị nứt mà 2 căn nhà thờ họ bề thế tại địa phương cũng chịu chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Quang Xu, 77 tuổi dẫn chúng tôi đến căn nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Trung Đơn để tận mắt chứng kiến “hậu quả” của quá trình thi công tuyến cầu, đường cứu hộ cứu nạn đi qua trên địa bàn. Khu nhà thờ họ này đã bị hư hỏng nhiều nơi, trong đó phần bậc cấp đã bị sụt lún, các vết nứt nẻ xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó có ở các gian thờ tự.

Nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Trung Đơn cũng đã bị nứt nẻ nhiều chỗ

Chỉ vào những vết nứt đã bị rêu mốc do thấm nước lâu ngày, ông Xu bức xúc cho biết: “Nhà thờ của họ tui chỉ mới xây dựng cách đây chừng 3 năm. Huy động toàn bộ con dân trong họ gom góp thóc, tiền bạc để xây dựng khu nhà thờ họ kiên cố làm nơi thờ cúng cho khang trang nhưng ai ngờ mới được mấy năm thì giờ đã ra như thế này. Người dân trong họ còn nghèo, ai cũng khó khăn nên tích góp cả mấy năm trời mới đủ tiền xây nhà thờ họ nhưng giờ đã bị nứt toác, mốc meo thế này nhìn mà xót xa. Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công, chủ đầu tư sớm đền bù thiệt hại cho chúng tôi”.

Qua tìm hiểu, chính quyền xã Hải Thành và người dân cho biết, đã nhiều lần phản ánh tình trạng rạn nứt nhà cửa lên cấp trên, trong đó có đơn vị thi công, thậm chí địa phương đã dẫn nhiều đoàn lãnh đạo của HĐND tỉnh UBND huyện trong dịp tiếp xúc cử tri… đến tận nơi để trình bày và nhận được rất nhiều sự đồng tình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Khánh Kim, Chủ tịch UBND xã Hải Thành cho biết: “Từ tháng 8/2011, BQL dự án đầu tư và xây dựng (Sở GT-VT tỉnh Quảng Trị), Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Hải Lăng, đơn vị thi công đã kiểm tra và thừa nhận những sự cố nói trên là do thi công đồng thời lập biên bản để xác định thiệt hại, tính mức hỗ trợ cho dân. Nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù… Tôi cho rằng, trước những thiệt hại của người dân đã được thừa nhận thì chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng phải có trách nhiệm đền bù sớm cho người dân”.