Hàng chục người sa bẫy “cháu sếp hàng không”

ANTĐ - Trong một lần ngồi trà đá ở phố Nguyễn Sơn, Tuấn tình cờ gặp người quen mang bộ hồ sơ dự thầu đến Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Với tài “chém gió”, đối tượng dễ dàng đưa người này vào “bẫy”. Nhưng tai hại hơn là sau đó, hàng chục người đã vô tình “gửi trứng cho ác”…  

Sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 5-6, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Hà Anh Tuấn (SN 1982, trú ở khu 4, xã Chu Hóa, TP Việt Trì, Phú Thọ) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đồng phạm của Tuấn là Trần Mai Thanh (SN 1953, trú ở tổ 8, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại xây dựng Đông Bắc Á.

Tài liệu truy tố cho thấy, giữa năm 2009, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bảo đảm hoạt động bay) có chủ trương phá dỡ dãy nhà cấp 4, đồng thời tiến hành san lấp mặt bằng trụ sở tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên.

Hàng chục người sa bẫy “cháu sếp hàng không”  ảnh 1

Ảnh minh họa: Phú Khánh

Theo yêu cầu của Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng (HUDI), thuộc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD), nay là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng, một ngày giữa tháng 7-2009, ông Tống Văn Tuyến - đội trưởng một đội xây dựng của doanh nghiệp mang hồ sơ dự thầu đến nộp cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.

Tại một quán nước gần doanh nghiệp này, ông Tuyến vô tình gặp người quen là Hà Anh Tuấn. Sau một hồi chuyện gẫu, biết ông Tuyến đến nộp hồ sơ xin dự thầu, Tuấn nhận mình là cán bộ BQL dự án của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.

Tin lời người quen, ông Tuyến vội đưa ngay cả tập hồ sơ xin dự thầu cho Tuấn, đồng thời nhờ đối tượng giúp đỡ để HUDI được trở thành nhà thầu thi công trong dự án. Nhưng rồi một thời gian dài trôi qua, ông Tuyến không thấy Tuấn có động thái gì, do đó đã chủ động cắt đứt liên lạc.

Hàng chục người sa bẫy “cháu sếp hàng không”  ảnh 2

Hà Anh Tuấn tại phiên tòa ngày 5-6

Về phần Hà Anh Tuấn, vớ được bộ hồ sơ xin dự thầu của HUDI, đối tượng nhanh chóng sàng lọc ra một số tài liệu, văn bản và kết hợp với thông tin bên ngoài nên biết được HUD ủy quyền cho HUDI triển khai đầu tư hàng loạt lô đất liền kề tại dự án Khu đô thị mới Vân Canh - Hoài Đức và dự án Khu đô thị Việt Hưng - Long Biên. Từ đó, Tuấn lên kế hoạch làm giả văn bản, tài liệu để chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Tuấn làm giả nội dung HUD nhượng bán một số suất đất ngoại giao tại 2 dự án trên cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Đối tượng ra cửa hàng photocopy ở phố Ngọc Lâm thuê người đánh máy nội dung, rồi cắt phần con dấu từ bản báo cáo tài chính trong hồ sơ xin dự thầu của HUDI và con dấu của HUD dán vào giấy tờ giả mạo, sau đó in sao ra nhiều bản.

Ngoài ra, cán bộ hàng không rởm còn tự “chế” nội dung một số giấy tờ liên quan, rồi cắt phần con dấu thật dán vào văn bản giả và  photocopy. Các văn bản giả mạo đó là: thông báo bán một số suất đất ngoại giao cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; danh sách cá nhân trong danh mục được ưu đãi mua đất ngoại giao và quyết định nhượng một số lô đất trong 2 dự án trên cho đối tác của Tổng Công ty HUD...

Sau khi hoàn thiện bộ hồ sơ giả, Tuấn vừa trực tiếp vừa thông qua một số người quen rêu rao rằng do là cháu ruột, của một lãnh đạo thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nên đối tượng được giao nhiệm vụ chuyển hóa hàng chục lô đất ưu đãi ở dự án Vân Canh và Việt Hưng cho những ai có nhu cầu.

Tin lời đối tượng, hàng chục người đã “đặt cọc” mua đất và đứng ra làm đầu mối mua đất liền kề dự án cho nhiều người để hưởng giá chênh lệnh, trong đó có Trần Mai Thanh.

Quá trình điều tra đã làm rõ, ban đầu cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại xây dựng Đông Bắc Á cũng tưởng Tuấn là cháu ruột của một “sếp” trong ngành hàng không và đối tượng có khả năng chuyển hóa các suất đất ngoại giao ở các dự án trên.

Tuy nhiên, về sau khi nhận ra Tuấn chỉ là đối tượng bịp bợm, thay vì lập tức chấm dứt hành vi tiếp tay cho kẻ lừa đảo thì Thanh vẫn tiếp tục “đâm lao” bằng việc không ngừng thu tiền “đặt cọc” của nhiều người.

Tài liệu truy tố Hà Anh Tuấn cùng đồng phạm xác định, từ năm 2009-2011, hai bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của 31 người với tổng số tiền hơn 25,3 tỷ đồng. Trong đó, Thanh đóng góp cho Tuấn hơn 11 tỷ đồng…

Sau khi điều tra bổ sung, VKSND TP Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Tuấn cùng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.

Mới đây, Tòa án Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Hà Anh Tuấn cùng đồng phạm. Thế nhưng do bị cáo Trần Mai Thanh có giấy nhập viện và không đến hầu tòa nên phiên xử buộc phải trì hoãn.