Hàng chục người khốn khổ vì "dính bẫy" giám đốc lừa

ANTD.VN - Vay mượn và gom góp tiền bạc, hàng chục người “ôm mộng” được sang Nhật Bản lao động nhưng lại bị giám đốc doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt hết.

Hết lời dụ dỗ bị hại…

Với kết quả điều tra bổ sung, ngày 31-5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Văn Bảo (SN 1978, trú ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) – Giám đốc Công ty TNHH UFJ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 139-BLHS. Bị hại trong vụ án là hàng chục người ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.

Một trong những bị hại bị Nguyễn Văn Bảo - Giám đốc Công ty TNHH UFJ (gọi tắt là Công ty UFJ) lừa gạt là anh Nguyễn Tiến Hùng (SN 1982), trú ở quận 12, TP Hồ Chí Minh và nay đã chuyển về  Bắc Giang sinh sống.  

Gặp chúng tôi bên hành lang phòng xử án, anh Hùng buồn bã kể, do có mong muốn được sang Nhật Bản lao động để cải thiện kinh tế gia đình nên tháng 3-2013, thông qua người giới thiệu, anh ra Hà Nội gặp Bảo. Nắm được nhu cầu của anh, Bảo ra sức quảng cáo rằng công ty của đối tượng hoàn toàn có khả năng đưa người sang Nhật Bản lao động.

"Dính bẫy" của Nguyễn Văn Bảo, hàng chục bị hại đã gặp phải không ít khó khăn  

Kế đến, Giám đốc Công ty UFJ còn ra sức mồi chài, những người xuất khẩu lao động thông qua công ty đối tượng không chỉ có thu nhập cao mà hết hợp đồng còn được gia hạn ở lại đất nước “Mặt trời mọc” thêm 2 năm nữa. Đổi lại, người có nhu cầu như anh Hùng phải nộp cho Công ty UFJ tổng cộng 13.000 USD, không kể chi phí học ngoại ngữ.

Ngoài ra, theo lời bị hại này quá trình tiếp thị, Bảo liên mồm cam kết chỉ trong vòng 3 tháng, kể từ ngày nộp “tiền cọc”, những người muốn sang Nhật lao động sẽ được xuất ngoại để thỏa mãn ước mơ. Thậm chí, đối tượng còn hùng hồn tuyên bố: “Nếu người đăng ký mà không ra được nước ngoài lao động thì chắc chắn sẽ được UFJ hoàn lại 100% số tiền đã nhận”. 

Từng bước mê hoặc bị hại, Giám đốc doanh nghiệp lừa đảo còn làm ra vẻ rất đàng hoàng với chỉ dẫn người sang Nhật Bản lao động thông qua công ty đối tượng sẽ chỉ phải nộp trước 50% chi phí. Và số tiền còn lại sẽ chỉ phải đóng nốt khi chuẩn bị lên máy bay.

Được hỏi về “con đường” dẫn đến công ty của Bảo, anh Hùng cho biết, đầu năm 2013, anh vào mạng Internet thì thấy những lời quảng cáo chương trình sang Nhật lao động rất hấp dẫn. Từ đó, anh Hùng liên hệ theo số điện thoại quảng cáo thì được một phụ nữ kết nối sang Bảo.      

Và rồi khi đặt niềm tin vào Giám đốc Công ty UFJ, từ ngày 17-4 đến 15-8-2013, anh Hùng đã giao cho Bảo tổng cộng 142 triệu đồng với kỳ vọng sớm được sang Nhật Bản lao động. Vậy nhưng sau đó dù đã quá thời hạn cam kết rất lâu, song anh Hùng vẫn không thể ra được nước ngoài như những lời hứa hẹn của Bảo.

Lộ rõ bộ mặt lưu manh

Cùng cảnh ngộ như anh Hùng, một thanh niên khác là Lê Công Đại (SN 1989, trú ở Kinh Môn, Hải Dương) cũng tỏ rõ sự bức xúc khi phải  ra Hà Nội để tố cáo việc làm bậy bạ của đối tượng lừa đảo mang danh giám đốc doanh nghiệp.

Có mặt tại tòa, anh Đại đề nghị cơ quan pháp luật buộc Bảo phải hoàn trả lại anh cũng như 5 người bạn khác tổng số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng đã nhận vì vi phạm lời hứa đưa mọi người sang Nhật Bản lao động. Ngoài ra, anh cùng các bị hại khác cũng đề nghị tòa án phải xử phạt thật nghiêm đối tượng lừa đảo để làm gương cho những kẻ có mưu đồ tương tự. 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đại cho biết thêm, xác định Bảo không đưa được người ra nước ngoài lao động như cam kết, anh cùng một số bị hại đã phải rất khó khăn mới gặp lại được Giám đốc Công ty UFJ để nói lý lẽ hòng lấy lại tiền. Nhưng Bảo không những không hợp tác mà còn thách thức: “Không trả thì làm được gì”.

Trong khi trước đó, thời điểm mà đối tượng dụ dỗ mọi người vào “bẫy”, Bảo còn đến từng nhà bị hại để tạo niềm tin, đồng thời làm ra vẻ công ty UFJ làm ăn chân chính, đàng hoàng. Thế nhưng cuối cùng khi cơ quan công an vào cuộc thì bộ mặt thật của kẻ lừa đảo mới thực sự bị vạch trần.    

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, cơ quan tố tụng làm rõ Công ty UFJ thực tế không hề có chức năng xuất khẩu lao động, song Bảo vẫn quảng bá trên mạng Internet để lừa đảo mọi người. Bằng thủ đoạn ấy, từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014, Bảo đã chiếm đoạt được hơn 3,3 tỷ đồng của 36 bị hại.

Trong số hàng chục bị hại của vụ án thì phần lớn đều là những thanh niên có sức khỏe tốt nhưng gia cảnh lại rất khó khăn. Và để có được số tiền từ vài chục triệu đồng đến gần hơn 200 triệu đồng, đa số họ đều phải gom góp trong một thời gian dài trước đó hoặc phải đi vay mượn khắp nơi.  

Cũng theo tài liệu điều tra, trong quá trình lừa đảo, Bảo đã kết nối với 2 đối tượng người nước ngoài và mở văn phòng đại diện của Công ty UFJ tại Nhật Bản nhằm mục đích hợp thức hóa về mặt thủ tục. Tuy nhiên, khi tội phạm của Giám đốc Công ty UFJ bị vạch trần thì cũng là lúc cơ quan chức năng ở nước bạn cho biết văn phòng đại diện kia của Bảo hoàn toàn bất hợp pháp.

Sau 1 ngày xét xử sơ thẩm và khép lại vụ án lừa đảo bằng thủ đoạn xuất khẩu lao động này, TAND TP Hà Nội đi đến quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Bảo 14 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Về phía các bị hại cũng được tòa án tuyên bố buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.