Hàng chục nghìn người chết vì mua thuốc qua mạng

ANTĐ - Hàng chục nghìn người Anh đang đánh cược bằng chính mạng sống của mình khi tìm đến các cửa hàng trực tuyến để mua thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Điều mà nhiều người tiêu dùng không nhận ra là họ đã mua phải thuốc rởm, hoặc đã hết hạn từ lâu, hoặc chẳng chứa hoạt chất gì có ích, thậm chí là mua phải những thành phần có hại cho cơ thể mình.

Ảnh minh họa

Chết vì thiếu hiểu biết

Trong một vụ việc mới đây nhất, Sarah Houston, 23 tuổi - một nữ sinh y khoa tại trường đại học Leeds - bất ngờ tử vong. 

Phải chờ đến vài tuần sau, các điều tra viên mới xác định được nguyên nhân tử vong của cô nữ sinh xấu số Sarah Houston là do một loại thuốc có tên DNP mà cô đã mua qua internet về uống. Nhà phân phối DNP quảng cáo rằng đây là một loại thuốc hỗ trợ giảm cân. Nhưng theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng sau đó, loại thuốc này có chứa một loại hóa chất độc hại thường được sử dụng trong các loại thuốc trừ sâu. Các bác sĩ đã ngừng kê đơn đối với hóa chất này từ 80 năm trước đây vì các tác dụng phụ nguy hiểm của nó.

Trước đó, nữ sinh khoa vật lý Isobel Narayan, 16 tuổi, sau một thời gian trầm cảm đã dại dột tự tử bằng một loại thuốc cực độc thường được sử dụng trong thi hành án tử hình tại Mỹ. Loại thuốc này cũng được Narayan mua qua internet. Theo thám tử điều tra Kevin Marriott thì rất có khả năng loại thuốc cực độc này được vận chuyển từ Mỹ hoặc Trung Quốc.

Sau cái chết đau đớn của con gái, ông Harry Narayan, một luật sư hành nghề ở Manchester, đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế quốc gia về chiến dịch ngăn chặn tình trạng người dân trong nước đang đánh cược bằng chính mạng sống của mình khi tìm đến các cửa hàng trực tuyến để mua thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

98% “hiệu thuốc trên mạng” là bất hợp pháp

Theo một cuộc điều tra của tờ Mirror của Anh, hoạt động buôn bán thuốc trực tuyến tại Anh đang vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà chức trách và cướp đi mạng sống của khoảng 100.000 người mỗi năm. Điều mà nhiều người tiêu dùng không nhận ra là họ dễ dàng mua phải thuốc rởm. Các thuốc này có thể khiến người dùng bị kháng với những loại thuốc thật, gây ra các phản ứng phụ hoặc kích hoạt những phản ứng nguy hiểm với các thuốc khác được uống vào.

Những loại thuốc hay được người tiêu dùng mua trên mạng là thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, các loại hooc-môn tăng trưởng, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc điều trị AIDS… Khách hàng cũng có thể mua được các chất cấm như: sibutramine - đây là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Các sản phẩm này là thủ phạm gây nhiều chứng rối loạn nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Ở Việt Nam, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường.

Hiện việc tạo lập những “hiệu thuốc trên mạng” cực kỳ dễ dàng, chỉ bằng công cụ tìm kiếm, Facebook và Twitter, nhằm thu hút người mua tiềm năng, mà không cần bằng cấp dược sĩ hay giấy phép y tế nào (là những giấy tờ cần thiết để lập các website như vậy).

Một chuyên gia đã thử tạo ra một website bán thuốc giả trên mạng trong vòng chưa đầy 15 phút, và tốn chưa đến 80 USD. “Chúng tôi đã tạo ra một website rất bắt mắt, và rất chuyên nghiệp về mặt y tế, kèm chân dung của một người mà chúng tôi đã mua được. Chúng tôi có thể đưa lên đó đủ thông tin mà chả cần giấy phép hay xác minh gì cả”, ông nói. Và những “hiệu thuốc trên mạng” như vậy xuất hiện rất nhanh và biến mất cũng rất mau chóng, trước khi bị nhà chức trách sờ gáy. 

Trước minh chứng rõ ràng này, Hội Dược phẩm Hoàng gia Anh (RPS) cho biết chỉ có chưa đầy 2% các website bán thuốc là hợp pháp, và người dùng rất khó phân biệt chúng. Vì thế, hãy cảnh giác với các website cho phép bạn mua thuốc mà không cần kê đơn; Đưa ra các chính sách giảm giá mạnh, quá ư là khó tin; Gửi các email rác thông báo về thuốc giá rẻ; Có địa chỉ xuất phát từ nơi không tin cậy, mà các cơ quan chức năng không kiểm soát được.

Cuối năm 2012, cơ quan quản lý dược phẩm, giới chức hải quan và cảnh sát ở Anh đã cùng tham gia vào một chiến dịch do Interpol dẫn đầu trên phạm vi toàn cầu nhằm vào các cửa hàng dược phẩm online. Tổng cộng, cơ quan chức năng đã thu giữ số thuốc giả và thuốc không được cấp phép trị giá đến 10 triệu USD và buộc đóng cửa đối với 18.000 trang web bán hàng trực tuyến.