Hàn Quốc tìm thấy "miền đất hứa" khi chuyển hướng sang Ấn Độ

ANTD.VN - Trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng phức tạp, Hàn Quốc đang tìm thấy ở Ấn Độ như một “miền đất hứa” để duy trì sự phát triển kinh tế và mở rộng vai trò trên thế giới.  

Hàn Quốc tìm thấy "miền đất hứa" khi chuyển hướng sang Ấn Độ ảnh 1Lễ đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân tại sân bay Thủ đô New Delhi, Ấn Độ 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ trong nỗ lực mà báo giới mô tả là tạo giúp cho Hàn Quốc một thị trường lớn như Trung Quốc. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho biết: “Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Moon Jae-in đánh dấu một bước đi hướng tới việc khởi động Chính sách Hướng Nam một cách thực sự”.

Vài năm gần đây, quan hệ Hàn Quốc - Ấn Độ phát triển nhanh chóng mà một trong những lý do chủ yếu là sự căng thẳng, thậm chí là đổ vỡ trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc. Với lợi thế gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại Trung Quốc - Hàn Quốc phát triển vượt bậc, có thời kỳ kim ngạch thương mại lên tới 300 tỷ USD/năm, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. 

Tuy nhiên, mối quan hệ này bất ngờ bị xấu đi nghiêm trọng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hye đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Những đòn trả đũa kinh tế không chính thức của Trung Quốc, như cấm xuất khẩu hay cấm du lịch, gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với cả 2 nước, trong đó ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc bị sụt giảm tới 5,98 tỷ USD.

Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO), trong năm 2016 có 8,06 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới Hàn Quốc, mỗi khách chi tiêu trung bình hơn 2.000 USD. Do lượng khách này giảm 20% nên Hàn Quốc thất thu hơn 3 tỷ USD. 79 trên tổng số 99 cửa hàng trong chuỗi cửa hàng và Siêu thị Lotte của Hàn Quốc ở Trung Quốc đã bị đóng cửa, dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD. Ngoài Lotte, các Tập đoàn khổng lồ như Samsung và LG… cũng bị Bắc Kinh gây khó dễ trong hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Ấn Độ với thị trường rộng lớn còn nhiều tiềm năng trở thành điểm lý tưởng để thay thế Trung Quốc. Trên thực tế, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang xem Ấn Độ là “miền đất hứa” trong chương trình đầu tư nước ngoài. Tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Kia Motors của Hàn Quốc đã quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 1,1 tỷ USD ở bang Andhra Pradesh ở Ấn Độ, để bù lại việc cắt giảm đầu tư các dự án mới tại Trung Quốc.

Nối gót Kia Motors, chính quyền Hàn Quốc đã mời Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tới thăm Seoul và ký kết thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 10 tỷ USD với Ấn Độ. Với bản thỏa thuận này, Hàn Quốc trở thành quốc gia đóng góp vốn ODA cho Ấn Độ cũng như giữ vị trí là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của New Delhi ngoài khối  G-7. Hiện Hàn Quốc đang hy vọng đưa Ấn Độ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của nước này.

Với New Delhi, việc Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ là điều mà nước này đang rất mong đợi. Cũng như Hàn Quốc, Ấn Độ đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc. Nếu coi Nam Á là một bàn cờ vây khổng lồ, thì các ô vuông là các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang tìm cách lấn tới, đẩy Ấn Độ vào thế bị bao vây. Vài năm gần đây, hết Nepal đến Sri Lanka rồi Maldives trở thành nơi đầu tư để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, “Hướng Nam” - chính sách đối ngoại chủ chốt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm tăng cường đáng kể mối quan hệ của Hàn Quốc với Ấn Độ và 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhanh chóng tìm thấy nhiều điểm tương đồng với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Và chuyến thắm Ấn Độ lần này của ông Moon Jae-in sẽ đánh dấu bước đi thực tế của Seoul và New Dehli nhằm biến mục tiêu của Chính sách “Hướng Nam”, “Hướng Đông” thành hiện thực.