Hàn Quốc ôm mộng bán máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Xung đột với Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ không tiếc tiền để “tân trang” và mua sắm các loại máy bay. Thật bất ngờ, không phải các ông lớn Âu - Mỹ mà Hàn Quốc mới là chủ nhân của thị trường béo bở này.
Ngày 8-10, Tổng giám đốc công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc Hong-kyung Kim tuyên bố, công ty ông sẽ tham dự gói thầu mua sắm máy bay trực thăng hạng nhẹ trị giá hàng tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Máy bay phản lực huấn luyện T-50 không quân Indonesia mua của Hàn Quốc

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang mạnh tay đầu tư cho không quân. Ngoài việc tham gia dự án liên hợp chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35, họ còn hy vọng trước năm 2012 sẽ liên kết với một số nước khác chế tạo một loạt máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tiên tiến.
Tham dự vào gói thầu lớn bắt đầu bỏ thầu vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là sang đầu năm 2012 này, công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều công ty sản xuất trực thăng nổi tiếng trên thế giới. Hiện họ đang khảo sát khảo sát một số công nghệ nước ngoài để chế tạo một loạt máy bay trực thăng, tham dự thầu là công ty Agusta Westland - cha đẻ của loại trực thăng vũ trang T-129, công ty Boeing và công ty Bell Helicopter Textron cùng của Mỹ. Cuối năm nay Hàn Quốc sẽ lựa chọn một người chiến thắng, rất có thể, loại máy bay này sẽ được mang đi chào bán.

Trực thăng Surion của không quân Hàn Quốc
đã từng khiến chuyên gia Pháp kinh ngạc về tính năng của nó

Hiện nay, công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc cũng đang đàm phán hợp đồng liên kết với công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey Aerospace Industries, Inc) để sản xuất máy bay chiến đấu phản lực KF-X, ngoài ra họ còn ôm mộng chào bán cho Thổ Nhĩ Kỳ loại máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến T-50 Golden Eagle (phiên bản huấn luyện của máy bay tấn công hạng nhẹ siêu âm TA-50). Hàn Quốc cũng đã từng bán 12 chiếc loại này cho Philippines, trước đó họ cũng đã bán cho Indonesia. Tuy là một máy bay huấn luyện nhưng với động cơ phản lực và hệ thống vũ khí, hệ thống thông tin, điều khiển tối tân, khi cần nó sẵn sàng trở thành một máy bay chiến đấu đáng gờm. Ông Hong-kyung Kim còn đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ một hợp đồng nữa trị giá 350 triệu USD để sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ 40 chiếc máy bay huấn luyện KT-1T.

Hàn Quốc ôm mộng bán máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 3
Trực thăng vũ trang hiện đại T-129 


Có đi có lại, ngày 8-10, công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc cũng ký một hợp đồng với công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo điều khoản hợp đồng, phía Hàn Quốc sẽ “để phần” mảng sản xuất cấu trúc thân máy bay trực thăng Surion cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc đang sản xuất 240 chiếc Surion cho lục quân Hàn Quốc, trong đó 110 chiếc thân trước của máy bay sẽ do công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ gia công với trị giá hợp đồng khoảng 30 triệu USD.