Hàn Quốc lấy làm tiếc vì vụ phóng viên không được tới Triều Tiên

ANTD.VN -Ngày 22-5, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul lấy làm tiếc vì các phóng viên Hàn Quốc không thể tới Triều Tiên đưa tin về sự kiện đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri sắp tới.

Trước đó cùng ngày, Triều Tiên đã từ chối tiếp nhận danh sách các nhà báo Hàn Quốc được chọn đưa tin về sự kiện dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Về sự việc này, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố: "Chúng tôi lấy làm tiếc về việc các phóng viên Hàn Quốc không thể khởi hành vì thiếu hành động bên phía Triều Tiên, mặc dù đã mời các phóng viên Hàn Quốc tới đưa tin về việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong ngày 23 đến 25-5". 

Các phóng viên nước ngoài làm thủ tục tại sân bay Bắc Kinh

Các nhà báo từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Anh và Mỹ đã lên đường sang Triều Tiên để đưa tin về sự kiện dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên, sáng 22-5, Bình Nhưỡng đã từ chối tiếp nhận danh sách các phóng viên Hàn Quốc được phép tới đưa tin sự kiện này. 

Ngày 12-5 vừa qua, Triều Tiên đã tuyên bố mời các phóng viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh tới dự sự kiện đánh dấu việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri ở miền Bắc, có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25-5, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Triều Tiên sẽ cung cấp các chuyến bay đặc biệt cho phóng viên quốc tế từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới thành phố Wonsan và từ đây sẽ có chuyến tàu hỏa đặc biệt tới Punggye-ri. Triều Tiên sẽ lập một trung tâm báo chí và sắp xếp chỗ ở đặc biệt cho các phóng viên.

Dù đoàn phóng viên Hàn Quốc không thể tới Triều Tiên tham gia tác nghiệp, nhưng Seoul vẫn rất quan tâm tới việc miền Bắc tiến hành phá dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye theo đúng kế hoạch đề ra như một bước đi ban đầu nhằm thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng sự kiện này sẽ góp phần vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6 tới.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ tiếp tục có các biện pháp thực chất nhằm phi hạt nhân hóa, ổn định hòa bình một cách vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Seoul sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác chặt chẽ với cả Bình Nhưỡng và Washington trong quá trình này.

Trong khi đó, các nhà báo từ AP, CNN, CBS, các nhà báo Nga và đại diện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã làm thủ tục kiểm tra tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh để bắt chuyến bay của hãng Air Koryo đến Triều Tiên.

Đài truyền hình nhà nước CCTV Trung Quốc cho biết, nhóm này đã đến sân bay ở thành phố Wonsan, bờ biển phía đông của Triều Tiên.