Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi sẽ tăng gấp đôi, lên 125 triệu đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, theo đó sẽ tăng gấp đôi hạn mức chi trả so với quy định hiện hành.

Cụ thể, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng.

Như vậy, so với quy định hiện hành, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã tăng gấp đôi.

Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được đề xuất tăng gấp đôi mức hiện hành

Tại Việt Nam, hệ thống Bảo hiểm tiền gửi được thành lập từ năm 1999 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với hạn mức chi trả tối đa ban đầu là 30 triệu đồng.

Đến năm 2005, hạn mức chi trả tối đa được nâng lên mức 50 triệu đồng. Kể từ ngày 5/8/2017, hạn mức này lần nữa lại được nâng lên 75 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này vẫn rất thấp, vì hiện nay cùng với sự trượt giá của đồng tiền thì thu nhập của người dân cũng đã tăng nhiều so với trước kia, con số tiền gửi của các cá nhân tại các tổ chức tín dụng cao hơn rất nhiều. Do đó, mức 75 triệu đồng là không tương xứng.

Theo quy định, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.