Hạn điền làm khó nông dân

ANTĐ - Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chiều cùng ngày, dự án Luật Hợp tác xã đã được UBTVQH xem xét, thảo luận. 

Bản báo cáo giám sát khẳng định, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục trong những năm tới.  

Trong đó, quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trong Luật Đất đai đã gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Một trở ngại khác là thời hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai đến nay đã gần hết nhưng chưa có chủ trương cụ thể, nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư. Bên cạnh đó, quy định về công tác GPMB chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai (khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế) và quyền của người dân có đất bị thu hồi. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vẫn có tình trạng nơi thì quá nhiều chương trình, chồng chéo nhau; nơi lại rất thiếu. Ông Phan Xuân Dũng nói: “Thế nên mới có chuyện cái cần đầu tư thì không có, cái có lại chưa thực sự cần. Chẳng hạn như có xã rất cần giường bệnh thì lại được giao máy tính”. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường yêu cầu phân tích sâu hơn, nêu rõ hướng xử lý cụ thể; đặc biệt là những bất cập trong Luật Đất đai. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đúng là chưa đủ so với yêu cầu, nhưng đã chiếm một tỷ lệ rất lớn trong ngân sách. Cho nên, vấn đề then chốt là phải có chính sách huy động nhiều nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế, từ nhân dân… cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn”.