Hạn chế "tín dụng đen" bằng những nguồn vốn vay chính thống

ANTD.VN - Tâm lý “ngại” những thủ tục vay tiền tại các tổ chức tài chính, hoặc thiếu kiến thức về tài chính, đôi khi là lý do khiến khá nhiều người dân tìm đến “tín dụng đen”, gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. 

Thủ tục đơn giản, lãi suất… trên trời

Ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng hay các khu chợ, không quá khó để tìm đọc được những nội dung rao công khai cho vay tiền mà không phải thế chấp, thủ tục lại hết sức đơn giản. Theo tìm hiểu, đối tượng tìm đến hình thức tín dụng này thường là sinh viên hoặc những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, hoặc ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với các đơn vị cho vay vốn chính thống.

Chị Thúy, một tiểu thương tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, cứ khoảng tháng 11 âm lịch, chị cần thêm vốn để tích trữ hàng hóa cho dịp Tết. “Những lúc như vậy, tôi phải tìm đến người quen vay vốn với mức vay 100 triệu đồng phải trả lãi 5 triệu đồng/tháng. Vay trong năm, lãi suất chỉ 3%, nhưng đến cuối năm thường cao hơn, có lúc lên đến 6-7 %. Biết là cao nhưng lúc cần vẫn phải chấp nhận, bởi do không có tài sản thế chấp nên tôi không thể vay vốn ngân hàng ”, chị Thúy tâm sự.

Vay để kinh doanh như chị Thúy còn có “nguồn” để trả. Nhiều cá nhân đã phải tìm đến những cá nhân kinh doanh cầm đồ, cho vay lãi để vay “nóng” với lãi suất cao. Và trong trường hợp chậm hoặc không trả được lãi, gốc, họ sẽ bị đòi tiền bởi những cách thức vi phạm pháp luật của chủ nợ. Nhiều vụ án hình sự bị phát hiện, xử lý thời gian đã cho thấy rõ hiện tượng, nguy cơ của “tín dụng đen” này.

Theo một chuyên gia về tài chính, “tín dụng đen” có “cầu” ắt sẽ có “cung”. Dạng tín dụng này sẽ phát triển mạnh trong bối cảnh người dân chưa có thói quen giao dịch với ngân hàng hay mô hình công ty tài chính.

Cần có giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”

Một Luật sư chuyên lĩnh vực hình sự, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nhìn nhận, nếu quản lý chỉ bằng luật định thì chưa thể xử lý đúng bản chất vấn đề và khó ngăn chặn hoàn toàn “tín dụng đen”. Bởi bản chất vấn đề là người dân có nhu cầu sử dụng các khoản vay tiêu dùng là rất lớn.

Do vậy, cách tốt nhất để từng bước ngăn chặn “tín dụng đen”, bên cạnh sự “cởi” hơn về thủ tục ngân hàng, cần tính toán, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng. Người dân có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay tài chính từ các tổ chức cho vay chính thống, hoạt động hợp pháp dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý pháp luật. Điều này rất có ý nghĩa đối với nhóm đối tượng khách hàng thu nhập thấp, vốn luôn bị hạn chế về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Việc tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính đã được đề cập trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ. Theo thông tin từ cơ quan quản lý, thời gian tới, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là những tín hiệu tích cực, song rất cần xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp hoạt động cho vay tiêu dùng, phục vụ người dân và đời sống xã hội.