Hạn chế rủi ro từ bảo lãnh thanh toán ngân hàng

ANTĐ - Bảo lãnh thanh toán là dịch vụ thông thường của ngân hàng với khách hàng doanh nghiệp. Một hợp đồng kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp sẽ có giá trị, được đảm bảo hơn nếu có cầu nối đảm bảo thanh toán là ngân hàng ở giữa. Tuy nhiên do không có tài sản cụ thể được đưa vào đảm bảo nên trong nhiều vụ việc các đối tượng đã lợi dụng làm giả bảo lãnh hoặc ký bảo lãnh vượt quá thẩm quyền gây ra những tranh chấp kéo dài.

Từ việc làm giả chứng thư bảo lãnh

Bảo lãnh được hiểu là quan hệ giữa 3 bên, bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh (hai bên có quan hệ giao dịch phát sinh nghĩa vụ thanh toán) và bên bảo lãnh (là ngân hàng). Theo đó, để đề phòng việc đối tác không trả được tiền từ giao dịch, doanh nghiệp yêu cầu có bên thứ 3 là ngân hàng đứng ra phát hành cam kết bảo lãnh, nếu đối tác không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì ngân hàng sẽ phải trả thay. Lợi dụng hình thức bảo lãnh này, đối tượng ngoài ngân hàng thường có sự cấu kết với nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng. Theo thông báo của Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư - Bộ Công an, việc làm giả chứng thư bảo lãnh của ngân hàng đang được các đối tượng thực hiện theo một quy trình chung. Nhân viên ngân hàng sử dụng con dấu lấy được do sơ hở quản lý để đóng dấu khống lên phôi giấy trắng có in lô gô của ngân hàng. Đối tượng cũng giả mạo thêm chữ ký của lãnh đạo ngân hàng để làm chứng thư bảo lãnh giả. Tiếp đó, đối tượng ngoài ngân hàng sẽ sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để viết tên của khách hàng. 

Việc làm giả chứng thư bảo lãnh của ngân hàng bắt đầu được dư luận chú ý sau sự kiện 2 chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng HSBC bị làm giả. Lợi dụng việc quản lý con dấu của Ngân hàng HSBC sơ hở một nhân viên của ngân hàng này đã lấy dấu đóng lên phôi giấy có biểu tượng HSBC rồi liên hệ với những doanh nghiệp có nhu cầu xin chứng thư bảo lãnh để lừa đảo. Do cần tiền, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận chi 4% để có được chứng thư bảo lãnh này. Cơ quan điều tra đã làm rõ, các chứng thư bảo lãnh mà các đối tượng này làm giả có giá trị lên đến 80 tỷ đồng. Còn mới đây nhất, ngày 14-8 Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố vợ chồng Nguyễn Thị Mỹ Linh và Phạm Phước Anh Huy (TP.HCM) và 3 đồng bọn về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Trước đó vợ chồng Linh - Huy đã làm giả con dấu của Ngân hàng HDB chi nhánh Nguyễn Trãi (TP.HCM) và làm giả dấu tên của Giám đốc Chi nhánh ngân hàng này với mục đích làm giả các văn bản như giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, chứng thư bảo lãnh thanh toán nhằm chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp. Sau những vụ việc làm giả chứng thư bảo lãnh, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát và ban hành đầy đủ quy trình quản lý, sử dụng và bảo quan con dấu tại đơn vị. Ngoài ra, các Ngân hàng cũng đã tăng cường công tác quản lý nhân sự, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quan lý và sử dụng con dấu. 

Đến việc tranh chấp từ chứng thư bảo lãnh thanh toán

Dù là một nghiệp vụ của ngân hàng, tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra nhiều tranh chấp giữa các bên tham gia nghiệp vụ này. Trong một số vụ việc, các đối tượng không phải làm giả thư bảo lãnh mà là thư bảo lãnh thật, người ký là giám đốc thật, dấu ngân hàng là thật, nhưng việc làm vượt quá thẩm quyền được giao. Khi gặp phải những trường hợp này, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đối mặt với rủi ro không thu hồi được tiền và tranh chấp kéo dài. Có thể kể đến vụ việc nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hồng Hà (Hà Nội) đã ký nhiều chứng thư bao lãnh thanh toán không có hồ sơ với tổng số tiền lên tới 345 tỉ đồng. Hay như trong vụ việc của Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), bà Nguyễn Thị Hương Giang, nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Sea Bank Hai Bà Trưng ký chứng thư bảo lãnh có giá trị lên tới 150 tỷ đồng đang gây ra những tranh chấp giữa các bên tham gia.

Trong những trường hợp này khi xảy ra tranh chấp, ngân hàng thường từ chối trách nhiệm vì cho rằng không phải là văn bản do ngân hàng phát hành, mà là do cá nhân cố ý làm trái. Còn về người nhận bảo lãnh, họ rất khó biết được thư bảo lãnh nào là đúng hay sai. Về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (Basico) cho biết, về nguyên tắc, pháp luật chỉ khống chế hai nội dung cơ bản liên quan đến thẩm quyền mà người tham gia giao dịch buộc phải biết. Một là, đại diện theo pháp luật được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là người có thẩm quyền ký kết tối cao. Mọi văn bản phát ra phải do người này ký hoặc do người này ủy quyền. Một hợp đồng do chủ tịch HĐQT ký vẫn có thể vô hiệu nếu như không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Hai là, thẩm quyền tối cao về quyết định của Công ty CP là HĐQT. Luật Doanh nghiệp quy định, nghững hợp đồng giao dịch vượt quá 50% tổng tài sản đều phải được HĐQT thông qua. Trong trường hợp người ký phát hành chứng thư bảo lãnh không đúng thẩm quyền rơi vào trường hợp người ký không phải là đại diện theo pháp luật, không được người đại diện ủy quyền, phân cấp hoặc giao dịch có giá trị quá lớn. Do đó, bên phát hành bảo lãnh có quyền viện dẫn pháp luật để từ chối bảo lãnh. Việc ký kết không đúng thẩm quyền thường xuất phát tư dấu hiệu cố ý làm trái để thu lợi bất chính đối với cán bộ ngân hàng. 

Nên cẩn trọng với bảo lãnh thanh toán

Trên thực tế, biện pháp bảo lãnh bằng chứng thư hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong những nguyên nhân theo ông Lê Trung Sơn, chuyên viên cao cấp của một ngân hàng, là do hiện nay tại Việt Nam các văn bản luật về nghiệp vụ bảo lãnh rất ít, còn các văn bản pháp lý khác đề cập đến nghiệp vụ bảo lãnh còn rất sơ sài và chưa cụ thể hóa. Với số lượng văn bản như vậy không đủ để điều chỉnh được hết các tình huống phát sinh trong nghiệp vụ bảo lãnh, điều này sẽ gây ra nhiều lỗ hổng trong luật, làm cho nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán chứa đựng thêm nhiều rủi ro.

Còn với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, có nhiều cạm bẫy trong một chứng thư bảo lãnh có thể dẫn đến tranh chấp. Đầu tiên là điều kiện của bảo lãnh, có nhiều ngân hàng phát hành bảo lãnh bảo lãnh trong đó yêu cầu bên thụ hưởng phải chứng minh được vi phạm của bên được bảo lãnh, khi đó ngân hàng mới thanh toán. Tuy nhiên, điều khoản như trên thường dẫn tới bế tắc cho cả 3 bên bởi ngay cả khi bên thụ hưởng bảo lãnh cung cấp hồ sơ đầy đủ và yêu cầu thanh toán bảo lãnh thì bên được bảo lãnh cũng cho rằng họ chưa vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Khi đó ngân hàng cũng khó xử bởi nếu thanh toán thì không thể bắt bên được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc nhưng nếu không thanh toán thì rơi vào tranh chấp với bên thụ hưởng.

Luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh: đối với Ngân hàng, khi thực hiện nghiệp vụ cấp bảo lãnh điều quan trọng là khả năng thu hồi vốn từ bên bảo lãnh. Vì thế, để giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng cần nâng cao nghiệp vụ nhân viên cũng như hoàn thiện quy trình cấp bảo lãnh song song với nghiệp vụ giao dịch bảo đảm. Còn đối với doanh nghiệp, khi nhận được thư bảo lãnh không nên vội vàng tin ngay mà cần có bước kiểm tra chéo như xác định thư bảo lãnh không phải là giả, người ký đủ thẩm quyền.

Để ngăn chặn nạn chứng thư bảo lãnh giả đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên thụ hưởng bảo lãnh, mới đây một số ngân hàng đã khởi động dịch vụ tra cứu chứng thư bảo lãnh ngân hàng qua mạng. Theo đó, các bên thụ hưởng bảo lãnh do một ngân hàng phát hành chỉ cần truy cập website là có thể tra cứu được chứng thư bảo lãnh trực tuyến và đối chiếu, xác thực với chứng thư bảo lãnh đã được ngân hàng phát hành. Việc tra cứu chứng thư bảo lãnh qua mạng này giúp bên thụ hưởng tránh xảy ra rủi ro, tranh chấp liên quan đến dịch vụ bảo lãnh. Tuy nhiên để tránh gặp phải rủi ro, các ngân hàng và doanh nghiệp cần thận trọng khi sử dụng nghiệp vụ này.