Hạn chế phá thai do lựa chọn giới tính: Cần những giải pháp đồng bộ

(ANTĐ) - Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa công bố một nghiên cứu trên 154 trường hợp phá thai từ 17-22 tuần tuổi trong năm 2008, cho thấy, có tới 18,18% phá thai do lựa chọn giới tính cùng với số tỷ lệ 48,05% phá thai do chưa kết hôn, 27,92% do thai bị bất thường, 1,95% thai ngoài ý muốn.

Hạn chế phá thai do lựa chọn giới tính: Cần những giải pháp đồng bộ

(ANTĐ) - Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa công bố một nghiên cứu trên 154 trường hợp phá thai từ 17-22 tuần tuổi trong năm 2008, cho thấy, có tới 18,18% phá thai do lựa chọn giới tính cùng với số tỷ lệ 48,05% phá thai do chưa kết hôn, 27,92% do thai bị bất thường, 1,95% thai ngoài ý muốn.

Cũng theo ý kiến của PGS.TS Vương Tiến Hòa và Bác sỹ chuyên khoa 2 Phan Thanh Hải của bệnh viện này, Việt Nam là nước được Tổ chức y tế thế giới đánh giá có tỷ lệ phá thai cao nhất châu á và là một trong 5 nước tỷ lệ phá thai nhiều nhất trên thế giới. Tính riêng trong 2 năm, tại BV Phụ sản TƯ có 11.826 trường hợp phá thai, trong đó 9,1% phá thai to.

Xu hướng phá thai to để lựa chọn giới tính khi sinh đã đẩy tình trạng dân số Việt Nam vào sự mất cân bằng giới tính. Tỷ số giới tính (số trẻ em trai và gái) của nước ta tăng liên tục từ 1999 và đến 2007 đã lên tới 112/100. Tỷ số này đã vượt xa tỷ số giới tính khi sinh theo quy luật tự nhiên (103-106/100) và tương đương với tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc năm 1989, thời điểm nước này rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính.

Những hậu quả của mất cân bằng giới tính từ các quốc gia có tình trạng thừa nam thiếu nữ như thay đổi cơ cấu dân số; thay đổi tỷ lệ giới trong các nhóm tuổi kéo theo thay đổi cơ cấu nghề. Tình trạng này còn dẫn đến thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình. Một tỷ lệ nam giới sẽ phải trì hoãn cưới xin. Sự trì hoãn này tiếp tục tác động đến các thế hệ nam giới trẻ hơn. Mất cân bằng giới tính còn làm gia tăng tội phạm liên quan đến tình dục, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.

Chẩn đoán giới tính thai nhi bất hợp pháp, phá thai vì lý do giới tính, ruồng bỏ sơ sinh gái chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính. Hiện nay, tại các bệnh viện, việc quy định không tiết lộ giới tính khi sinh đã được thực hiện triệt để. Song nhiều bà mẹ trẻ, dưới áp lực của gia đình và của chính mình đã rất “hậm hực” khi không được bác sỹ tiết lộ giới tính, nên đã đến các trung tâm y tế bên ngoài bệnh viện để biết giới tính thai nhi.

Với nhiều trung tâm y tế, phòng khám, đây lại được coi là một tiêu chí “hút khách” chứ chưa hẳn là chuyên môn có chuẩn xác hay không. Hoặc các bác sỹ tại các cơ sở y tế này lại có kiểu nói lái đi để sản phụ tự đoán và tìm ra câu trả lời kiểu như “chưa nhìn rõ, chưa biết chính xác”, “đứa trước là công chúa thì đứa này khả năng cũng thế”... Có những bà mẹ “dũng cảm” đi phá thai to đến lần thứ... 3 vì vẫn chưa ra được thằng cu, không cần tính đến sự nguy hiểm cho sức khỏe của mình.

ở một nước vẫn còn nặng chế độ “nối dõi tông đường” như Việt Nam, nhu cầu cần con trai vẫn không thể một sớm một chiều mà xóa bỏ được. Đương nhiên, việc “có nếp có tẻ” nhiều người vẫn mong ước. Nhưng nếu người con đầu là gái, bắt buộc nhiều cặp vợ chồng bước vào quy trình “đúc” con trai. Họ bắt đầu từ chọn chế độ ăn, chọn ngày giao hợp, xét nghiệm gene, lọc tinh trùng... đến khi có thai thì thực hiện siêu âm sản phụ khoa, xét nghiệm nước ối để xác định giới tính... và cuối cùng nếu không như mong muốn sẽ tiến hành can thiệp (phá thai). Thậm chí, còn có hiện tượng giấu thai gái, khi trẻ gái được sinh ra, khai báo là con nuôi để được tiêu chuẩn sinh tiếp...

Để hạn chế việc phá thai to lựa chọn giới tính khi sinh đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Chúng ta cần cung cấp đầy đủ thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những hậu quả của việc lựa chọn giới tính đối với gia đình, xã hội và các thế hệ tương lai. Bình đẳng nam nữ trong tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các trẻ em gái được đến trường thông qua các chương trình học bổng sẽ từng bước nâng cao vị thế nữ giới trong trong gia đình và xã hội.

Ngoài ra cần tăng cường giám sát việc thực thi các điều khoản qui định cấm lựa chọn giới tính trong Pháp lệnh dân số 2003 và các đạo luật liên quan như Luật Bình đẳng giới, Luật chống bạo hành gia đình, và Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nêu ý kiến: “Chúng ta cần xem xét lại chính sách phá thai chứ không cấm vì nếu cấm người ta sẽ đi phá thai phạm pháp, như thế còn nguy hơn. Và quy định chặt chẽ việc chỉ có 1-2 con, hoặc có những chính sách khuyến khích như những phụ nữ chỉ có con gái được hỗ trợ khi về già, miễn những khoản phí cho con gái khi đi học”.

Việc phá thai to trước hết ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, đồng thời nếu phá thai để lựa chọn giới tính thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến mất cân bằng giới tình. Để thực hiện quyết liệt việc ngăn chặn phá thai to lựa chọn giới tính, cần nhiều biện pháp đồng bộ như hạn chế tình trạng bán thuốc hỗ trợ phá thai đang tràn lan hiện nay trên thị trường, cấm triệt để các cơ sở y tế tiết lộ giới tính thai nhi, tư vấn cho người phụ nữ khi phá thai nếu thấy có nhiều dấu hiệu của việc phá thai lựa chọn giới tính... Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được sự mất cân bằng giới tính và sự thiếu nữ thanh niên trong tương lai.

Có luật nhưng chưa áp dụng

 Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; bắt mạch, xác định qua triệu chứng, bói toán hoặc bằng các hình thức khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi mà có tính chất trục lợi bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; cung cấp hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp loại bỏ thai nhi khi biết người mang thai muốn lựa chọn giới tính; tàng trữ tài liệu, phương tiện chứa nội dung về phương pháp tạo giới tính... bị phạt từ 3-7 triệu đồng; dùng vũ lực, đe dọa, ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính, phá thai mà biết rõ người mang thai muốn lựa chọn giới tính sẽ bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm hành chính về dân số và trẻ em khác như: tuyên truyền, phổ biến thông tin dân số trái quy định của pháp luật bị phạt từ 3-20 triệu đồng; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai trái quy định của pháp luật bị phạt tối đa 30 triệu đồng; cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình phạt từ 100.000 đồng đến 5 triệu đồng;vi phạm quy định trong hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em phạt từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng...

(Trích Nghị định số 114/2006/NĐ-CP)

Bỏ thai to, đa số do lựa chọn giới tính

Nếu vì mục đích “kế hoạch”, thường phụ nữ đi hút bỏ thai sớm. Trường hợp bỏ thai to (trên 14 tuần) thường không có lý do rõ ràng. Khi được tư vấn, người phụ nữ mới bộc lộ rõ lý do: giới tính thai. Hầu như không có trường hợp nào phá thai trai, khi thai bình thường. Đây là một minh chứng rất rõ về phá thai liên quan đến lựa chọn giới tính. Vì vậy, cần phân biệt phá thai hợp pháp với phá thai vì lựa chọn giới tính. Để hạn chế tình trạng này, cần thực hiện 5 giải pháp, đó là đẩy mạnh KHHGĐ thực sự chỉ có 2 con; nên dùng biện pháp tránh thai tạm thời là đình sản (kỹ thuật đúng, dễ hồi phục pomeroy) vì là phương pháp có hồi phục (nối lại 2 vòi trứng tỷ lệ thành công cao từ 75- 85%); nghiêm cấm mọi hành vi siêu âm để chẩn đoán giới tính cho thai phụ (chồng, thân nhân thai phụ yêu cầu) khi không có chỉ định của bác sỹ sản khoa với thai 12 tuần trở lên; cấm phá thai từ 12 tuần khi không phải thai bất bình thường trừ các trường hợp đặc biệt và có hình thức xử lý, giám sát như: đình chỉ, cấm hành nghề tùy mức độ vi phạm và tái phạm.

GS Nguyễn Đức Vy (Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam)

Vẫn chưa ai bị xử lý

Tỷ số giới tính của trẻ sơ sinh ở nước ta vào loại khá cao, trên mức bình thường và đã có sự lựa chọn của cha mẹ, sự can thiệp của tư vấn và kỹ thuật để sinh được con trai. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt nữ thanh niên trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh đó là sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là siêu âm có thể chẩn đoán từ sớm giới tính thai nhi và phá thai nếu giới tính của đứa con tương lai không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ. ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh rất cao và ngày càng tăng: năm 2003- 2004 là 61% và năm 2005- 2006 tăng lên đến 66%. Điều này cho thấy việc thực thi khoản 2 điều 7 Pháp lệnh Dân số về “cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” chưa nghiêm nhưng hầu như đến nay chưa ai bị xử lý.

PGS.TS Nguyễn Đình Cử (Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội)

Yên Hưng