Hạn chế nhập cư vào nội thành: Không thể chần chừ

ANTĐ - Dự án Luật Thủ đô nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những nội dung chỉnh lý, bổ sung trong dự thảo Luật lần này.

1 kilomet vuông phố cổ ở quận Hoàn Kiếm có tới 84.000 người đang cư trú

Dự thảo Luật Thủ đô lần này gồm 29 điều, bỏ 4 điều; sắp xếp, chỉnh lý lại nhiều nội dung. Tinh thần chung của việc chỉnh lý là làm rõ các quy định cho Thủ đô với  vị thế là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, hạn chế việc quy định các chính sách dành cho Hà Nội với chức năng là đô thị đặc biệt. 

Đáng lưu ý, dự thảo Luật nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất cho các cơ quan trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thủ đô để thực hiện di dời trụ sở theo quy hoạch. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị di dời theo phân cấp. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển công trình, tiện ích công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. 

Liên quan đến vấn đề quản lý dân cư, theo dự thảo Luật, công dân được đăng ký thường trú tại nội thành phải thuộc trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 điều 20 của Luật Cư trú; hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự luật cho rằng, tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng đây là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành. 

Tại phiên họp của UBTVQH, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bày tỏ mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sớm có được một đạo luật nghiêm minh và có tính khả thi cao. Ông nói: “Một số cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo Luật lần này đã hướng đến mục tiêu tạo sự đồng thuận cao. Từ thực tế quản lý, hơn ai hết, chúng tôi cảm nhận được sự cần thiết phải có những quy định này”. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh những khó khăn của chính quyền thành phố trong bối cảnh “bùng nổ” dân cư nội thành. Ông phân tích: “Quy định điều kiện nhập cư chặt chẽ chính là nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân Thủ đô và đồng bào cả nước cũng như khách quốc tế đến thăm Thủ đô. Tất nhiên, cùng với đó phải có nhiều giải pháp khác”. 

Đồng ý hạn chế nhập cư nội đô, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn quy định “nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” tại dự thảo Luật để đảm bảo sự linh hoạt trong trường hợp người dân có nhu cầu chuyển từ nội thành ra ngoại thành.

Ghi nhận nhiều sửa đổi, bổ sung hợp lý của dự Luật lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, nội dung về Vùng Thủ đô trong Luật này còn sơ sài. Bà đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật về cơ chế ngân sách đặc thù cho Thủ đô, song yêu cầu nêu cụ thể “đặc thù là những gì và lý do phải quy định như vậy để sau này khi sửa Luật Ngân sách nhà nước thì đưa vào”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của UBTVQH và ĐBQH, đã làm rõ vai trò của Hà Nội với tư cách trung tâm hành chính – chính trị của cả nước; trách nhiệm của cơ quan quyền lực của TP cũng đã được nêu rõ hơn, logic và khoa học hơn… Bà Tòng Thị Phóng tán thành những quy định chặt chẽ về quản lý dân cư trong dự thảo luật. Về biểu tượng của Thủ đô, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cùng nhiều ý kiến khác đồng tình lựa chọn Khuê Văn Các và quy định nội dung này ngay trong Luật. 

Nhấn mạnh quyết tâm thông qua Luật Thủ đô tại kỳ họp tới của Quốc hội, tạo công cụ pháp lý mạnh mẽ cho quản lý, phát triển Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoàn thiện thêm các báo cáo, đảm bảo dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.