Hạn chế nhập cư nội thành đô thị lớn là cần thiết

ANTĐ - Nhiều ĐBQH đồng ý với quy định mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú khi cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc hạn chế nhập cư vào nội đô của các thành phố lớn là việc cần thiết.

Hình ảnh các phụ huynh sau một đêm dầm mưa xếp hàng, rồi sáng ra đạp đổ cả cổng sắt để
ùa vào trong sân trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội, tranh 1 suất hồ sơ thi vào lớp 1 cho con,
xảy ra hồi tháng 5-2012, là minh chứng rõ nét cho tình trạng quá tải dân cư ở các đô thị lớn

Chiều 24-5, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.
Tại đoàn Hà Nội, ĐB Đinh Xuân Thảo đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Ông nhận xét, so với lần soạn thảo thứ nhất, ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý, sửa nhiều nội dung hợp lý, bám sát được những vấn đề bức thiết nhất của đời sống xã hội. Về quy định mới “trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 2 năm trở lên”, ĐB Thảo cho rằng đây là mức thời gian phù hợp, có tính chất giảm tải cho các thành phố lớn vốn đang trong tình trạng “đất chật người đông”.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nhìn nhận, tình trạng quá tải dân cư đang gây áp lực cho chính quyền các thành phố lớn. Dự thảo luật quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm như: giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi- là điểm mới, song còn chung chung, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể dưới luật để tránh tình trạng khi đưa vào thực hiện lại vướng. “Ví dụ, làm rõ thế nào là trục lợi khi cho người khác vào đăng ký cư trú là rất khó”- ông nói.
Dù đồng tình với dự thảo luật về quy định diện tích nhà tối thiểu để đủ điều kiện đăng ký thường trú, song Trung tướng Đỗ Kim Tuyến còn băn khoăn về điều khoản “giao cho chính quyền địa phương cấp xã, phường quản lý và xác nhận”, theo ông việc này là quá sức đối với các cán bộ hành chính cấp phường xã, đặc biệt là các địa phương có mật độ dân cư sinh sống dày.
Giống như ĐB Đinh Xuân Thảo, ĐB Đỗ Kim Tuyến đồng ý với quy định khi nhập hộ khẩu nội thành (vào quận) các thành phố trực thuộc trung ương cần có điều kiện tạm trú liên tục tại đó trong khoảng thời gian 2 năm. Ông nói: “Tôi đồng tình với sửa đổi bổ sung này, ý này là phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Thực tế chúng ta đang phải giải bài toán giãn dân mà mục tiêu không ngoài việc phục vụ cho chính cư dân đã có hộ khẩu ở thành phố đó có một cuộc sống đảm bảo”.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh thì đề nghị trong dự luật lần này cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ các cơ quan hành chính có chức năng đăng ký thường trú. Bà cho rằng các điều cấm hiện mới đang tập trung về phía người dân, trong khi cán bộ có thẩm quyền về việc đăng ký thường trú có thể trục lợi từ việc này như trường hợp diện tích nhà ở tối thiểu không đủ theo quy định từ dự luật, xong vẫn cho người dân đăng ký thường trú hoặc đơn giản là cán bộ đó làm ăn qua quít, thiếu trách nhiệm. Giống như ý kiến của một số ĐBQH khác, bà Khánh cho rằng, việc giao trách nhiệm thẩm định diện tích nhà ở đủ tiêu chuẩn để được đăng ký thường trú là quá sức đối với cấp phường, xã nếu xét trên tỉ lệ: lượng cán bộ hành chính/hộ dân.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, nhiều ý kiến ĐBQH các đoàn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; Hải Phòng; Đà Nẵng...đều cho rằng không nên cứng nhắc mà cần vận dụng linh hoạt, vấn đề nào thiết thực dân sinh thì cần đưa vào chương trình xây dựng luật trước. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, vẫn còn những văn bản luật chưa đi vào thực tiễn, đồng thời thiếu văn bản hướng dẫn dưới luật; tổng số luật và pháp lệnh cần phải sửa đổi trên tổng số trình ra Quốc hội còn cao. Cuối cùng một số ĐBQH đề nghị UBTVQH làm rõ lý do các dự luật bị rút ra khỏi chương trình xây dựng và rà soát lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn.