Hạn chế gia tăng sốt xuất huyết ở các tỉnh, thành phố phía Nam

ANTD.VN - Mưa nhiều cộng với ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải sinh hoạt và hoạt động xả thải của các cơ sở công nghiệp khiến số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở khu vực phía Nam bùng phát nhanh, với hàng nghìn người mắc. 

Theo các chuyên gia, để giảm số người mắc SXH, các tỉnh, thành khu vực phía Nam không chỉ tập trung vào biện pháp phun xịt hóa chất ở các điểm dịch, các vùng nguy cơ mà cần chú trọng đến biện pháp truyền thông, vận động người dân tích cực diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường. 

Trong tổng số ca mắc SXH hiện nay của cả nước, miền Nam chiếm 68% và riêng 3 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã chiếm đến 50%. 

Theo Bộ Y tế, SXH năm nay tăng ở những nơi có sự giao lưu rộng rãi, nhiều người qua lại. Các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có đặc điểm như vậy. Cũng chính vì vậy mà qua các năm ở 3 tỉnh, thành phố này tỷ lệ phân bố bệnh SXH theo nhóm tuổi đang có xu hướng tăng ở nhóm trên 15 tuổi (người lớn có mức độ di chuyển, qua lại nhiều hơn trẻ em). Năm 1999, nhóm trên 15 tuổi mắc sốt xuất huyết chiếm khoảng 35% đến năm 2017 đã chiếm 60%.

Theo các chuyên gia, với đặc điểm đô thị hóa, có nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông, biện pháp để phòng chống SXH ở các tỉnh, thành phía Nam không chỉ tập trung dập dịch bằng cách phun xịt hóa chất mà cần chú trọng đến biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. Chính vì xem nhẹ biện pháp này mà số ca bệnh SXH đến nay vẫn chưa giảm. 

PGS. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định: “Các tỉnh phía Nam, đặc biệt các tỉnh, thành có các khu công nghiệp có tình trạng di biến động dân cư rất lớn, do đó nếu chỉ tuyên truyền vận động người dân bằng cách thông báo trong buổi họp dân phố hay qua loa sẽ không hiệu quả mà cần phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động từng người dân tham gia”. 

“Muốn làm được điều này cần sự phối hợp liên ngành. Hiện nay chỉ mới có ngành Y tế, trong khi đó nhân lực ngành Y tế có hạn. Chúng ta nên có Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh SXH các cấp gồm nhiều thành phần, nhiều ban ngành và tại cấp xã phải xây dựng được mạng lưới cộng tác viên là những người hiểu rõ địa phương mình nhất để đến từng nhà vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy trong nhà hoặc khu vực gần nơi mình ở. Kinh phí của các địa phương dùng để phòng chống dịch bệnh SXH nên dành một phần để duy trì nguồn lực cộng tác viên thay vì chỉ tập trung mua hóa chất để dập dịch bệnh”, TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM chia sẻ.