Hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong quản lý tài nguyên vùng bờ Việt Nam

ANTD.VN - Tại Hội thảo quốc tế hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ diễn ra tại Hà Nội, ngày 25-11, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết đang tiến hành xây dựng bộ hướng dẫn này và dự kiến trình Bộ TN-MT ban hành vào tháng 12-2016.

Đây là một hướng tiếp cận đa ngành, theo đó, sẽ hạn chế sự chồng chéo nhưng lại không thống nhất chịu trách nhiệm trong vấn đề quản lý tài nguyên vùng bờ Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc đánh giá cao những giúp đỡ hiệu quả của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) trong việc phối hợp với tổ chức các Hội thảo hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược QLTHĐB Việt Nam trong năm 2015, những hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để xây dựng và hoàn thiện Hướng dẫn này trong năm 2016, cũng như trong quá trình thực hiện trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh sinh thái - môi trường biển và vùng bờ của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại hội thảo

Ông Vũ Sĩ Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam) trình bày dự thảo Hướng dẫn, trong đó nêu rõ mục tiêu dài hạn của quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ là phát triển bền vững vùng bờ thông qua cách tiếp cận quản lý tổng hợp, tập trung giải quyết 2 nhóm vấn đề: Hoàn thiện thể chế, quản lý (chính sách, chiến lược và kế hoạch; luật pháp, quy định; sắp xếp tổ chức; thông tin và nhận thức; năng lực và cơ chế tài chính) và Giải quyết các vấn đề về tài nguyên, môi trườn (ngăn ngừa, quản lý thiên tai và thảm họa do con người gây ra; bảo vệ, phục hồi và quản lý các sinh cảnh, hệ sinh thái; quản lý nguồn nước và việc sử dụng nước; quản lý an toàn thực phẩm và phát triển sinh kế cộng đồng; quản lý ô nhiễm và chất thải).

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong triển khai phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, như thiết lập hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về biển và hải đảo ở trung ương và địa phương; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo; tăng đầu tư cho điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, giao khu vực biển cho các tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng biển, lập quy hoạch sử dụng biển...

Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17-12-2014 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27-5-2016 là các nỗ lực quan trọng của Chính phủ tiếp theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9-10-2007 phê duyệt “Chương trình Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” (Chương trình 158) trong việc thúc đẩy thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ đồng bộ ở cấp Trung ương và địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, trong đó có các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý tổng hợp vùng bờ như quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ… Như vậy, có thể thấy chính sách về phát triển bền vững biển và vùng bờ đã được thể chế hóa trong Luật.

Vì vậy, để góp phần triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản định hướng chiến lược trên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiến hành xây dựng Hướng dẫn xây dựng và triển khai chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ ở Việt Nam và dự kiến trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào tháng 12-2016. Đây là một hướng tiếp cận đa ngành, theo đó, sẽ hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm trong vấn đề quản lý tài nguyên vùng bờ Việt Nam.