Ham rẻ, người tiêu dùng vẫn mua gà độc hại

ANTĐ - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố đã phát hiện 5 mẫu thịt gà lấy trên thị trường có tồn dư kháng sinh Chloramphenicol. Đây là một loại kháng sinh độc hại đã bị cấm trong chăn nuôi. Đáng lo ngại, tại nhiều chợ, gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán phổ biến.  

Cơ quan chức năng kiểm tra số gà loại thải nhập lậu bị thu giữ

Phần lớn gà làm sẵn là nhập lậu

Kết quả ngăn chặn gia cầm lậu trong 6 tháng đầu năm của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an cho thấy, đã phát hiện, bắt giữ 500 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, tịch thu tiêu hủy 127 tấn gà sống, hơn 46 tấn thịt gia cầm, hàng trăm nghìn quả trứng và gia cầm giống… Riêng trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm, Chi cục QLTT  đã tịch thu, tiêu hủy 216.880 quả trứng gia cầm và 16.000 con gia cầm giống nhập lậu. Đánh giá về công tác ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, các ngành đều cho rằng, thời gian qua nổi lên là tình trạng buôn bán lậu gà giống và trứng gia cầm. Ngoài ra, tình trạng lén lút vận chuyển gà lậu về nước tiêu thụ vẫn âm thầm diễn ra, với thủ đoạn tinh vi hơn, nhưng quy mô đã thu hẹp hơn.

Ngay trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận, tại nhiều chợ, gà không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán, đặc biệt, tại các chợ cóc, chợ tạm thì khó có thể phân biệt được đâu là gà trong nước và gà loại thải nhập lậu.  Nhiều tiểu thương trong nghề còn khẳng định: “Mua gà lông (gà còn sống) thì may ra có gà ta, chứ gà đã làm sẵn thì phần lớn là gà nhập lậu”. Một tiểu thương buôn bán gà tại chợ Nguyễn Công Trứ cho hay: “Gà làm sẵn phần lớn tiêu thụ tại các quán ăn hoặc tại những khu vực có đông người lao động thu nhập trung bình, sinh viên”.

Theo tìm hiểu, tại các chợ hiện nay, loại gà làm sẵn thường được các tiểu thương gọi với cái tên gà rốt ri. Nhưng nguồn gốc từ đâu, chất lượng như thế nào thì không ai biết. Loại gà này vẫn còn nhiều người mua bởi giá rẻ (khoảng 60.000 đồng/kg thịt), so với gà ta giá 120.000 đồng/kg (cả lông).

Trong nước không dùng kháng sinh bị cấm

Tại rất nhiều cuộc họp bàn biện pháp chống gà lậu, các cơ quan chức năng như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi đều đưa ra cảnh báo, gà loại thải thường tồn dư nhiều kháng sinh cũng như chất kích thích, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Song, một phần vì giá “mềm”, phần nữa thịt gà loại thải thường dai hơn nên một bộ phận người tiêu dùng trong nước vẫn ưa chuộng. 

Ông Nguyễn  Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, lấy 5 mẫu gà nhập lậu trên thị trường đều phát hiện kháng sinh Chloramphenicol – một loại kháng sinh độc hại, từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi cũng như bảo quản thực phẩm. Trên thế giới, kháng sinh này đã bị cấm từ năm 2001. Khi vào cơ thể,  Chloramphenicol gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và gây còi xương, chậm lớn ở trẻ. Điều đáng ngại là nếu ăn phải thức ăn có dư lượng kháng sinh nói chung và Chloramphenicol nói riêng thì sẽ gây kháng kháng sinh ở người. Cũng theo ông Nguyễn Đức Trọng, chăn nuôi trong nước từ lâu đã không sử dụng loại kháng sinh này. Hơn nữa, người chăn nuôi trong nước hiện cũng ý thức được hậu quả từ việc sử dụng các loại chất cấm, kháng sinh cấm có thể gây ra đối với ngành chăn nuôi.

Trong khi đó, vào cuối tháng 12-2012, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã phát phóng sự điều tra về nghi án gà được nuôi và vỗ béo bằng 18 loại kháng sinh. CCTV gọi loại gà này là “gà ăn liền” được cung cấp cho nhà hàng bán đồ ăn nhanh ở Thượng Hải. Cũng theo đài này, một số nhà cung cấp gia cầm tại Sơn Đông (Trung Quốc) dùng hóa chất độc hại để gà tăng trưởng nhanh, 2 trong số các kháng sinh được phát hiện là Amoxicillin và Chloramphenicol.