Hầm chui trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Chỉ dùng tay cũng cậy được bê tông

ANTĐ - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xem là hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay với 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp,  số vốn đầu tư lên tới 45.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, người dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện, có thể dùng tay cũng cậy được bê tông tại một hầm chui dân sinh thuộc cao tốc này.

Hầm chui trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Chỉ dùng tay cũng cậy được bê tông ảnh 1Hầm chui dân sinh thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm bị nghi ngờ là kém chất lượng

Nghi ngờ về chất lượng

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, qua phản ánh của người dân về chất lượng thi công hầm chui dân sinh tại Km4+900 trên địa phận xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thuộc dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cục đã cùng chủ đầu tư đường cao tốc là Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) kiểm tra hiện trạng. Theo đó, hầm giao thông dân sinh này có kích thước 6,5x3,2m, dài 35m, toàn bộ đổ bằng bê tông do Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí IMICO trực tiếp thi công, hoàn thành vào tháng 3-2015; tư vấn thiết kế là Tổng Công ty thiết kế giao thông vận tải; tư vấn giám sát là Liên danh Meinhardt International và Tư vấn xây dựng Nhật Việt. 

Theo người dân xã Kiêu Kỵ, giữa tháng 4-2016, trong quá trình lưu thông qua hầm chui này, một chiếc xe đã va vào cạnh cửa hầm nằm bên chiều Hà Nội - Hải Phòng (bên phải tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) làm vỡ một mảng bê tông. Nhìn vào chỗ vỡ, người dân thấy toàn đá dăm xếp rời rạc, giữa các viên đá có khe rỗng, không thấy có xi măng gắn kết. Khi dùng tay gỡ, từng viên đá dăm rơi lả tả, không hề có sự kết dính, người dân rất bức xúc và cho rằng, đây không thể gọi là bê tông được.

Đại diện phòng triển khai dự án của Vidifi cho biết, bê tông dùng đổ hầm chui do Công ty TNHH MTV bê tông TRANSMECO cung cấp, được trộn từ nhà máy chở đến, kiểm tra chất lượng từng xe trước khi đổ nên đảm bảo chất lượng. Hầm chui cũng được kiểm định, nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Vidifi cho biết, sẽ thuê tư vấn độc lập kiểm định, xác định mức độ và phương án khắc phục. Vidifi sai ở mức độ nào sẽ nhận, còn nhà thầu sai đến đâu phải khắc phục đến đó. Công trình vẫn đang trong thời hạn bảo hành (hết tháng 12-2018) nên nếu lỗi do nhà thầu thì phải chịu toàn bộ chi phí khắc phục.

Khắc phục xong trước 30-5

Sau khi kiểm tra hiện trường, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh đánh giá, thân tường hầm chui có hiện tượng bê tông bị bong tróc (bên phải tuyến) với kích thước khoảng 20x50x5cm. Sơ bộ đánh giá, nguyên nhân có thể do khi đổ bê tông, ván khuôn không tốt làm mất nước, công tác đầm bê tông trong quá trình thi công tại góc ván khuôn chưa tốt... Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Vidifi khẩn trương lựa chọn một đơn vị tư vấn kiểm định có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác kiểm định độc lập, đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục chất lượng bê tông tại hầm giao thông dân sinh Km4+900 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Ngày 21-5,  Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) chỉ đạo Vidifi lựa chọn một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập có đủ năng lực và kinh nghiệm để tiến hành kiểm định chất lượng thi công tại hầm chui này; xác định nguyên nhân xảy ra hiện tượng bong tróc bê tông và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác. Vidifi chỉ đạo nhà thầu khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại về chất lượng tại hầm giao thông dân sinh nêu trên, xong trước ngày 30-5-2016. Toàn bộ kinh phí sửa chữa, khắc phục do nhà thầu chi trả. 

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 105km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng, hoàn thành toàn tuyến vào đầu tháng 12-2015 vừa qua. Tuyến cao tốc này đã bị đội vốn lớn so với  tổng mức đầu tư 24.500 tỷ đồng được phê duyệt vào năm 2008. Như vậy, suất đầu tư bình quân của dự án tăng lên 429 tỷ đồng/km, tương đương gần 20 triệu USD/km - xếp vào loại cao nhất trong số các dự án đường cao tốc từng được triển khai tại Việt Nam.