Hãm chứ không ngăn

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng để thắt chặt tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Có hai chỉ tiêu quan trọng nhất: Khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và giữ tỷ trọng tín dụng phi sản xuất dưới 16%. Chỉ tiêu thứ nhất không có gì là khó khăn vì hiện tại, mức tăng của nó trong toàn bộ hệ thống ngân hàng mới chỉ trên 7% mà dư địa vẫn còn khá nhiều. Chỉ tiêu thứ hai lại khiến không ít ngân hàng... nhức đầu.

Tín dụng phi sản xuất gồm có tín dụng đầu tư chứng khoán, tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng. Chẳng cần con mắt chuyên gia cũng thấy ngay là, tín dụng chứng khoán và bất động sản thường được các ngân hàng ưu ái chăm sóc tận tình hơn là tín dụng tiêu dùng. Thật dễ hiểu, số vốn giải ngân cho mỗi hợp đồng nhiều hơn, lợi nhuận thu về lớn hơn. Giờ đây “miếng bánh” này đã bị ngân hàng Nhà nước “bóp chặt” khiến cho nhiều ngân hàng không dám “bơm” thêm vốn vào đó, ngược lại còn phải tìm mọi “thủ thuật” hợp thức hóa số tiền đã cho vay.

Chẳng hạn như mở rộng tín dụng nếu chỉ tiêu chưa chạm đến gần giới hạn 20% hoặc đàm phán với khách hàng không giải ngân thêm, thu bớt nợ trước hạn. Còn lại “cửa” cuối cùng là cho vay tiêu dùng, các ngân hàng ra sức “chạy đua” cho kịp thời hạn tín dụng phi sản xuất 16% vào cuối năm nay, bằng cách thu hẹp, thắt chặt tín dụng tiêu dùng, dựng “hàng rào” kỹ thuật thông qua thắt chặt các tiêu chí cho vay. Thông thường là các ngân hàng đánh giá tín nhiệm khách hàng theo kiểu xếp hạng A, B, C. Khách hàng được xếp hạng tín nhiệm thường dựa vào hai chỉ tiêu: chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính. Tức là xem xét hồ sơ và thẩm định xem trước đây khách hàng đã vay ngân hàng nào chưa, có nợ quá hạn không, mức lương bao nhiêu, thế chấp lương hay nhà ở, ô tô.

Chưa hết, khách hàng còn bị “soi” xem đã đóng bảo hiểm xã hội chưa, tình trạng sức khỏe ra sao. Phải công nhận rằng, để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải thắt chặt tiền tệ, thì việc thắt chặt tín dụng phi sản xuất, nhất là tín dụng tiêu dùng là cần thiết. Song dưới một góc nhìn khác, ý kiến một số chuyên gia tài chính cho rằng, tín dụng tiêu dùng luôn chiếm một tỷ trọng lớn. Hãm đà tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ ở nước ta là khó tránh khỏi, nhưng không có nghĩa là ngăn cản tiêu dùng, kìm hãm sản xuất, kinh doanh. Vấn đề là cách thức cho vay tiêu dùng như thế nào. Ở các nước, ngân hàng cho vay mua nhà, ô tô, tủ lạnh, máy giặt... không phải là đưa tiền mặt, mà ngân hàng lập kế hoạch với các hãng sản xuất, siêu thị, các tổ chức phân phối để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Bên bán sản phẩm sẽ được ngân hàng thanh toán. Hàng tháng ngân hàng sẽ trích số tiền phải trả từ tài khoản của người vay.

Chặt chẽ như vậy nên ngân hàng nắm rõ người dân vay để làm gì. Không như ở ta, hồ sơ vay tiền là tiêu dùng nhưng được “ném” vào đầu cơ nhà đất; Hãm dòng tín dụng để nắn đi đúng hướng chứ không ngăn chặn là góp phần đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng. Nếu không khéo thì tín dụng tiêu dùng chỉ là vỏ bọc của tín dụng đầu tư đầy rủi ro.