Hai ứng viên Tổng thống Mỹ khéo tung hứng

ANTĐ - Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ trở thành show diễn của hai ứng cử viên nặng ký là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sander.

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ khéo tung hứng ảnh 1Bà Hillary đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua giành quyền đề cử ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ

Đua tranh quyết liệt để trở thành đại diện của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-2016, các ứng cử viên tuyên bố ra tranh cử của đảng này đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình ngày 13-10. Dù có 5 ứng cử viên tham gia tranh luận, song cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ bang Vermont - Bernie Sander đã trở thành tâm điểm bởi 3 ứng cử viên còn lại là cựu Thống đốc bang Maryland - Martin O’Malley, Thượng nghị sĩ bang Virginia - Jim Webb và cựu Thống đốc bang Rhode - Island Lincoln Chafee tỏ ra khá mờ nhạt.

Bà Hillary và ông Sander hiện cũng đang là hai ứng cử viên Tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ khi kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Fox News công bố ngày 13-10 cho thấy, có tới 45% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ bà Hillary, 67 tuổi, 25% ủng hộ ông Sanders, 74 tuổi, trong khi tỷ lệ dành cho các ứng cử viên khác đều khá thấp. Trong cuộc tranh luận, hai ứng cử viên nặng ký này liên tục đưa ra những quan điểm trái chiều về một loạt chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của nước Mỹ. 

Điểm khác biệt lớn nhất của bà Hillary và ông Sander trong chính sách đối nội là vấn đề kiểm soát súng đạn sau khi xảy ra hàng loạt vụ xả súng đẫm máu làm chấn động nước Mỹ thời gian qua. Bà Hillary không chỉ mạnh mẽ cam kết “hạ gục các nhà sản xuất súng nguy hiểm”, mà còn thẳng thắn “tấn công” quan điểm được cho ngả về các nhà sản xuất súng đạn trước đây của Thượng nghị sĩ  Sander.

Bà Hillary cũng thể hiện quan điểm cứng rắn trong các chính sách đối ngoại như phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ủng hộ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2002, mạnh tay hơn trong cuộc chiến Syria hiện nay… Ngược lại, ông Sander lại tỏ ra ôn hòa trong các vấn đề này, đặc biệt là khẳng định lập trường phản đối cuộc chiến tranh Iraq, gọi đây là “sai lầm tồi tệ nhất về chính sách đối ngoại trong lịch sử nước Mỹ”.

Dù có nhiều quan điểm có vẻ trái ngược nhau, song các ứng cử viên của đảng Dân chủ đều thể hiện tinh thần đoàn kết chính trị khi công kích cá nhân ở mức hạn chế và coi đây là một diễn đàn để tranh luận về chính sách cho cử tri Mỹ dễ nghe hơn; đồng thời cũng làm sắc nét hơn cương lĩnh tranh cử của mình. Thượng nghị sĩ Sander thậm chí đã bày tỏ sự ủng hộ với bà Hillary trong vụ tai tiếng “sử dụng e-mail cá nhân trong công việc”. Ông Sanders đã lập tức nhận được lời cảm ơn và cái bắt tay của bà Hillary trong tràng pháo tay tán dương của những người theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận. 

Theo giới quan sát, với kinh nghiệm dày dạn trong những năm làm Ngoại trưởng cũng như từng là ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, bà Hillary Clinton là người đã giành lợi thế trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Thăm dò dư luận ngay sau tranh luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ bà Hillary tăng từ 65% lên tới 70%, trong khi tỷ lệ này của ông Sanders giảm từ 16 % xuống còn 15%. Việc uy tín bà Hillary tăng lên cũng có thể khiến đương kim Phó tổng thống Joe Biden sẽ phải cân nhắc kỹ hơn xem có ra tranh cử Tổng thống hay không.