Hai ứng viên hàng đầu đều bị hoài nghi

ANTĐ - Đúng như dự đoán của giới phân tích, cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều tiếp tục giành được nhiều lá phiếu nhất trong các cuộc đua nội bộ giành ghế ứng cử viên Tổng thống Mỹ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong ngày "Siêu thứ Ba" lần hai (15-3). Tuy nhiên, thực tế rất đông người Mỹ không ưa cả ông Trump lẫn bà hillary và cả 2 đảng thống trị chính trường Mỹ giờ đây cùng phải đương đầu với việc dân chúng hoài nghi, thậm chí là ác cảm với 2 ứng cử viên hàng đầu của họ.

Hai ứng viên hàng đầu đều bị hoài nghi ảnh 1

“Cuộc đua song mã”

Cục diện cuộc đua “song mã” trong tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang ngày càng định hình rõ nét sau ngày “Siêu thứ Ba” lần 2, khi cựu Ngoại trưởng Hillary chứng tỏ ưu thế vượt trội so với đối thủ Bernie Sanders trong cuộc đua nội bộ của đảng Dân chủ, trong khi tỷ phú Trump tiếp tục khẳng định vị thế ứng cử viên số một để giành tấm vé duy nhất của đảng Cộng hòa ra tranh cử vào Nhà Trắng.

Trong ngày 15-3, bà Hillary liên tiếp giành chiến thắng tại 4 bang là Florida, Ohio, Bắc Carolina và Illinois. Trong khi đó, tại bang Missouri diễn ra tình trạng bám đuổi rất sát giữa 2 ứng cử viên với kết quả bà Hillary chỉ nhỉnh hơn ông Sanders một chút. Thắng lợi “5 sao” này giúp cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ giành thêm ít nhất 371 phiếu đại biểu, nâng tổng số phiếu đại biểu mà bà có được tính tới thời điểm hiện tại lên 1.606, gần gấp đôi số phiếu đại biểu của ông Sanders (851).

Mặc dù ông Sanders tuyên bố không bỏ cuộc và sẽ “chiến đấu đến cùng,” nhưng dư luận cho rằng vị Thượng nghị sĩ 75 tuổi này khó lòng san lấp khoảng cách mà bà Hillary đã tạo ra sau ngày “Siêu thứ Ba” lần 2. Và các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại chỉ là màn tập dượt để bà Hillary chuẩn bị cho cuộc đối đầu “nảy lửa” vào tháng 11 tới với ứng cử viên của đảng Cộng hòa. 

Trong khi đó, bên phía đảng Cộng hòa cũng gần như đã xác định được ứng cử viên để đua tranh với đảng Dân chủ, sau khi ông Trump cũng giành các chiến thắng ấn tượng không kém bà Hillary. Vị tỷ phú bất động sản đã chiến thắng dễ dàng tại 3 bang Florida, North Carolina, Illinois và chỉ “sảy chân” tại Ohio - “sân nhà” của đối thủ John Kasich.

Trong các chiến thắng của ông Trump trong ngày “Siêu thứ Ba” lần 2, thắng lợi tại Florida có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi ông trùm bất động sản này “ẵm trọn” 99 phiếu đại biểu tại bang này theo quy tắc “được ăn cả, ngã về không” mà còn khiến đối thủ trực tiếp Marco Rubio phải tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử do thảm bại ngay trên sân nhà trước đối thủ trực tiếp.

Như vậy, tính đến thời điểm này, với việc nắm 673 phiếu đại biểu, tỷ phú Trump không chỉ giành được hơn một nửa số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa mà còn bỏ xa người đứng thứ hai là ông Cruz với khoảng cách 262 phiếu đại biểu, qua đó tiếp tục nới rộng khoảng cách so với các đối thủ. Điều này khiến hầu hết mọi người đều đã nghĩ đến một “cuộc đua song mã” giữa ông Trump và bà Hillary vào tháng 11 tới.

Mặc dù vậy, khả năng ông Trump không giành đủ số phiếu để trở thành ứng cử viên đương nhiên của đảng Cộng hoà vẫn có thể xảy ra, do sắp tới có những bang nhiều phiếu tổ chức bầu cử theo hình thức “được ăn cả, ngã về không”. Khi đó, việc lựa chọn đại diện của đảng Cộng hòa sẽ do Đại hội đảng toàn quốc tổ chức từ ngày 18 đến 21-7 tới tại Cleveland (bang Ohio) quyết định. 

Hơn nửa dân Mỹ thiếu thiện cảm với Trump và Hillary

Tuy đã hình thành cục diện “cuộc đua song mã” giữa ông Trump và bà Hillary, nhưng các chiến lược gia vẫn đang phải đau đầu phân tích xem tại sao có tới nửa dân số Mỹ  có ý kiến tiêu cực đối với 2 nhân vật này. Steve Schmidt - cố vấn tranh cử hàng đầu của ông George W. Bush năm 2004 và Thượng Nghị sĩ John McCain năm 2008, nhận xét: “Lịch sử đương đại chưa có cuộc bầu cử nào mà cả 2 ứng cử viên hàng đầu yếu thế và gây chia rẽ đến như vậy”. 

Trong bài phát biểu vào cuối ngày 15-3, cả 2 ứng cử viên này đều cố gắng để kêu gọi người Mỹ đoàn kết và ủng hộ họ. Thế nhưng, ông Trump đang khiến nhiều người Mỹ lo lắng về những đề xuất có vẻ cực đoan và gây sốc của mình. Trong khi đó, bà Hillary dù được xem là một chính khách nghiêm túc và dày dạn kinh nghiệm hơn, nhưng cũng đang phải chật vật lấy lòng tin của người Mỹ.

Thực sự là người Mỹ khó có thể thay đổi cách nhìn nhận đối với 2 nhân vật này, bởi lẽ trong hàng thập niên qua, nước Mỹ biết khá rõ cả ông Trump lẫn bà Hillary, chứng kiến những vụ bê bối gây tranh cãi, những thành tựu và thành công của họ, từ các cuộc luận tội đến những đổ vỡ hôn nhân, từ những chiến thắng tại Thượng viện đến việc khai trương những ngôi nhà chọc trời xa hoa.

Theo Viện thăm dò Gallup, 63% người Mỹ có đánh giá không thiện cảm đối với ông Trump và 53% có thái độ tương tự đối với bà Hillary. Theo thống kê, chưa đến một nửa số cử tri của đảng Cộng hòa tại 5 bang tiến hành bỏ phiếu hôm 15-3, kể cả những bang ông giành chiến thắng cho rằng ông Trump trung thực và đáng tin vậy.

Trong khi đó, mặc dù đa số cử tri của đảng Dân chủ cho rằng bà Hillary trung thực và đáng tin cậy, song bà vẫn ở vị trí thứ hai sau ông Sanders trong danh sách những ứng cử viên nói rằng trung thực là yếu tố quan trọng nhất trong các quyết định của họ.

Những thực tế trên buộc ông Trump và bà Hillary phải chuẩn bị một “cuộc chiến tổng lực” để công kích lẫn nhau, mặc dù 2 nhân vật này có nhiều năm là bạn bè của nhau. Đến nay, các trợ thủ của cả 2 ứng cử viên này đều dự đoán cuộc đối đầu Trump - Hillary sẽ là một cuộc đấu khốc liệt và không khoan nhượng.