Hai tuyến phố nên thơ mang tên Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn

ANTĐ - Sáng nay, 26-8, bên Hồ Tây lộng gió, hai đoạn đường nên thơ, tĩnh lặng chính thức trở thành hai phố mới mang tên cố nhà văn Nguyễn Đình Thi và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – hai con người tài hoa với những tác phẩm bất hủ gắn liền với Thủ đô Hà Nội, đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo cùng thân nhân nhà văn Nguyễn Đình Thi tại lễ gắn biển phố Nguyễn Đình Thi

Sáng 28-6, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức lễ gắn biển hai phố mới mang tên nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi; nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; thân nhân nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các văn nghệ sỹ và đông đảo người mến mộ đã đến dự buổi lễ.

Trước đó, tháng 7-2015,  tại kỳ họp thứ 13, khóa XIV HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết về việc đặt tên 19 tuyến phố mới, trong đó có 2 tuyến phố mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Phố Nguyễn Đình Thi với hàng cau vua thẳng tắp

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại. Thơ ông dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước Những câu thơ tha thiết lắng đọng giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam. Ông cũng là nhà văn nổi tiếng với bộ tiểu thuyết sử thi bề thế "Vỡ bờ" gồm 2 tập, đề cập tới cuộc sống, đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của các đảng viên cộng sản trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Trong rất nhiều danh hiệu của Nguyễn Đình Thi như nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà văn hoá... thì người ta còn phải nhắc đến một danh hiệu cao quý khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Trong một đêm đầu năm 1947, lúc bắt đầu những ngày khói lửa ở Hà Nội, ông đã cho ra đời "Người Hà Nội" - kiệt tác âm nhạc với những giai điệu bất diệt. Không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe bản nhạc ấy mà không thấy rạo rực trong lòng...
Trong những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 sục sôi, Nguyễn Đình Thi cũng cho ra đời "Diệt phát xít" - ca khúc đi vào bất tử trong lòng mỗi người dân đất Việt. Tuyến phố mang tên ông vừa được đặt tên là đoạn từ ngã ba giao cắt đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài (đối diện nhà số 2). Đoạn đầu đường đi qua cửa sau trường THPT Chu Văn An. Với chiều dài hơn 2km, rộng 7,5 - 9m, đây là một trong những tuyến phố lãng mạn nhất ven Hồ Tây với hàng cau vua thẳng tắp.

Các đồng chí lãnh đạo cùng thân nhân nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại lễ gắn biển tên phố Trịnh Công Sơn

Phố Trịnh Công Sơn bắt đầu từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến đoạn giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh. Đoạn đường này dài 900m, rộng từ 9,5 - 12,5m, gần Công viên nước Hồ Tây. Phố là những đoạn đường với hàng cây xanh ngắt, mang vẻ đẹp lãng mạn như chính cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Là một nhạc sĩ tài hoa với nhiều sáng tác về tình yêu, về thân phận con người, và vì hòa bình đã đi vào lòng cả triệu con người nhiều thế hệ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dành riêng cho Hà Nội những tình cảm thật đặc biệt.

Hai ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” và “Đoản khúc Thu Hà Nội” là những tác phẩm da diết với những ca từ đẹp miên man “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mờ gọi/Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…” đã trở thành “tài sản” quý của Hà Nội.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sỹ Trịnh Công Sơn xúc động chia sẻ: “TP Hà Nội chọn con đường lãng mạn gần Hồ Tây mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho thấy sự tinh tế và tấm thịnh tình của người Hà Nội đối với anh Sơn. Anh Sơn luôn lãng mạn, thích gần gũi với cỏ cây sông nước...”.

Nghệ sĩ Sacxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng, con đường ý nghĩa này sẽ là điểm đến yêu thích của giới trẻ cũng như những người mến mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Phố Trịnh Công Sơn rợp bóng cây như ca từ bài hát Mưa hồng của ông "hàng cây lá xanh gần với nhau"

​Nhà văn Hữu Thỉnh chia sẻ rằng việc đặt tên hai phố mới này chính là một cách làm để hình tượng hóa, vĩnh cửu hóa những đóng góp lớn lao của nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng tình với quan điểm đó, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, Hồ Tây với vẻ đẹp của mình đã đi sâu vào tâm khảm của bao người. Việc đặt tên hai phố mới này còn có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc để các thế hệ nối tiếp phấn đấu nỗ lực xây dựng Thủ đô, đất nước giàu đẹp hơn. Đây cũng là việc làm ý nghĩa, cần thiết đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của công chúng yêu nghệ thuật, nhân dân Thủ đô.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi đề nghị chính quyền quận Tây Hồ, phường Thụy Khê, phường Nhật Tân tuyên truyền, giáo dục, phát động phong trào giữ vệ sinh, xanh – sạch – đẹp, để tuyến phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn ngày càng khang trang, đẹp đẽ, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Ngay trên tuyến phố mới, cùng đông đảo người dân, ca sĩ Tùng Dương đã cất tiếng hát như lời tưởng nhớ đến những người con tài hoa của đất nước “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến 1 người, để nhớ mọi người....”