Hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn “xin” đầu tư đường bộ tốc độ cao với 9.600 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chi phí xây dựng cao tốc nối Cao Bằng và Bắc Kạn lớn nên hai địa phương này xin đầu tư đường bộ tốc độ cao.

Tại văn bản gửi Bộ KH-ĐT liên quan đến việc xây dựng tuyến đường tốc độ cao nối tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho hay, được sự thống nhất của UBND 2 tỉnh (Bắc Kạn và Cao Bằng), giao cho UBND tỉnh Bắc Kạn làm đầu mối và đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư tuyến đường nối tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Cao Bằng theo quy định.

Trước đó, giữa tháng 10/2021, hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Bắc Kạn - Cao Bằng.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát, đánh giá sơ bộ thì để đầu tư tuyến đường đảm bảo theo tiêu chuẩn đường cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 có tổng mức đầu tư lớn, khó triển khai được dự án trong giai đoạn hiện nay.

Bắc Kạn và Cao Bằng xin đầu tư đường bộ tốc độ cao

Bắc Kạn và Cao Bằng xin đầu tư đường bộ tốc độ cao

Vì vậy, trước mắt, để đầu tư đồng bộ quy mô với tuyến đường quốc lộ 3 mới đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn, đảm bảo liên kết phát triển kinh tế vùng và thu hút đầu tư của các địa phương có tuyến đường đi qua, đảm bảo tính khả thi dự án, UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị xem xét bố trí từ gói kích cầu để thực hiện ngay dự án tuyến đường bộ tốc độ cao nối tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, ự án có cấp đường là đường cấp III đồng bằng; tổng chiều dài tuyến khoảng 90km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.600 tỷ đồng.

Hướng tuyến chủ yếu bám theo tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT 07) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm có thể tận dụng đưa lên thành đường cao tốc sau năm 2030 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, tuyến quốc lộ 3 mới đoạn từ TP Thái Nguyên đến TP Bắc Kạn dài khoảng 67km đạt quy mô đường cấp III đồng bằng.

Nhưng việc lưu thông qua đoạn tuyến quốc lộ 3 từ TP Bắc Kạn đến TP Cao Bằng dài khoảng 120km còn gặp nhiều khó khăn do đoạn tuyến hiện đang là đường cấp IV miền núi với điều kiện địa hình phức tạp, khó khăn, hướng tuyến quanh co, một bên là núi cao, một bên vực sâu, nhiều bán kính nhỏ, hệ thống cầu có tải trọng khai thác thấp làm hạn chế khả năng lưu thông của tuyến đường qua các khu đông dân cư và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; không đáp ứng được yêu cầu phát triển.