Hài Tết 2010 - “Sao” và dân gian

(ANTĐ) - Nơi đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng, kẻ mới chỉ chọn xong kịch bản và lên lịch quay, hài tết năm nay được các “ông lớn” trong lĩnh vực này hứa hẹn là sẽ có rất nhiều điểm mới.

Hài Tết 2010 - “Sao” và dân gian

(ANTĐ) - Nơi đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng, kẻ mới chỉ chọn xong kịch bản và lên lịch quay, hài tết năm nay được các “ông lớn” trong lĩnh vực này hứa hẹn là sẽ có rất nhiều điểm mới.

Nhà tài trợ xé nát kịch bản?

Thị trường hài Tết luôn được các hãng sản xuất băng đĩa phía Bắc quan tâm. Theo khảo sát của Công ty Nghe nhìn Thăng Long thì sản phẩm chỉ cần ra thị trường, nửa tiếng sau đã bắt đầu xuất hiện đĩa lậu chào hàng ngược trở lại; nhưng với độ phủ sóng rất rộng rãi của loại đĩa này trong công chúng thì “lỗ vẫn làm”. Người ta bỏ ra rất nhiều tiền để có vài chục giây xuất hiện trên truyền hình thì chẳng có lý do gì để không làm khi nó đã là một kênh làm thương hiệu thật hiệu quả. “Để đối đầu với đĩa lậu, giống như các năm trước, năm nay Nghe nhìn Thăng Long tiếp tục thực hiện chiến lược bán đĩa với giá cực sốc (9.000 đồng/đĩa)”. Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay.

Phía Hồ Gươm Audio cũng đồng tình với nhận định rằng việc làm hài Tết chỉ là để làm thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều năm, công ty này cũng không thực hiện hài Tết với lý do không có kịch bản hay. Bà Thu Hiền - Trưởng Trung tâm nghe nhìn Hồ Gươm Audio phát biểu.

Thế nhưng, dù là để làm thương hiệu thì kinh phí sản xuất đĩa cũng là vấn đề các nhà sản xuất buộc phải lưu tâm. Dù sao, cuộc chơi này cũng thật mạo hiểm nếu không có sự đầu tư của các nhà tài trợ. Nhưng để được “thò chai rượu” thì “chân giò” mà các nhà sản xuất đưa ra phải đủ ngon, đủ hấp dẫn. Không những thế, một yêu cầu rất chính đáng của các nhà tài trợ là được tham gia vào kịch bản của tiểu phẩm hài, thương hiệu trực tiếp xuất hiện trong tiểu phẩm như một bộ phận. Thực tế, sự “thọc tay” vào kịch bản của các nhà tài trợ đôi khi khiến kịch bản như bị băm nát và có phần vô duyên.

Trao đổi thẳng thắn với phóng viên, đạo diễn Phạm Đông Hồng khẳng định: “Công ty Nghe nhìn Thăng Long tự huy động vốn để đầu tư cho các chương trình hài này ngay từ đầu. Các sản phẩm hài Tết làm xong mới được đưa ra để mời tài trợ. Do vậy, các nhà doanh nghiệp sẽ không chạm tay vào kịch bản để đảm bảo tính nghệ thuật cho các chương trình”. Phần quảng cáo cho các thương hiệu chỉ được xuất hiện thành các clip xen kẽ các tiểu phẩm hoặc phân cảnh. Không giống như Thăng Long, phía Công ty Hồ Gươm Audio đồng ý cho các nhà tài trợ tác động vào kịch bản nhưng chỉ dừng ở mức độ vừa phải. Không chấp nhận sự thọc sâu vào kịch bản của các doanh nghiệp, Hồ Gươm hy vọng các sản phẩm của mình vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng sẽ không mất đi giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, cách làm này vẫn biểu hiện nhiều hạn chế của nó.

Sao + Dân gian

Việc chuẩn bị kịch bản hài Tết cũng luôn được các nhà sản xuất quan tâm. Ngay sau khi cho ra mắt đĩa hài Tết năm ngoái, Công ty Nghe nhìn Thăng Long đã lên kế hoạch để thực hiện các sản phẩm của mùa nguyên đán năm nay. Vào tháng 5-2009, công ty này đã mở ra cuộc thi viết kịch bản hài Tết và thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà biên kịch chuyên nghiệp và không chuyên. Trong gần 60 kịch bản nhận được, Nghe nhìn Thăng Long đã lựa chọn một kịch bản ngắn để đưa vào bộ đĩa hài Tết năm nay. Mặc dù vậy, công ty cũng đã chuẩn bị kịch bản cho một sản phẩm là Cả Ngố được phóng tác từ kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam. “Sau nhiều năm khảo sát với đề tài dân gian, hiện đại và kết hợp dân gian với hiện đại, đề tài dân gian cho đĩa hài Tết vẫn chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng”. Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết.

Một trong những vấn đề mà loại kịch bản này buộc phải quan tâm là bối cảnh quay. Đối với kịch bản hài dân gian, bối cảnh quay là rất quan trọng. Giữa thời đại này, việc chọn được bối cảnh mang màu sắc của thế kỷ trước là không hề đơn giản. Lần dựng bối cảnh cho Giấc mơ Chí Phèo của mùa hài Tết năm trước, cũng hết sức vất vả. Làm phim Cả Ngố, phải chọn bối cảnh đẹp, chỗ không có nhà cao tầng, nhà tranh phải tự dựng và phục trang phải đặt thiết kế cho phù hợp. Khâu chuẩn bị trang phục và bối cảnh có thể kéo dài đến ba tháng. Đoàn làm phim có những lần quay phải huy động một số người rất đông đảo, có khi lên tới 120 suất cơm hộp vẫn thiếu.

Sau khi chọn xong kịch bản và dựng bối cảnh thì các nhà sản xuất lao vào việc tìm diễn viên phù hợp. Trong nhiều năm nay, hài Tết thường quy tụ một dàn sao hài đông đảo phía Bắc. Một số đĩa hài gần đây còn có sự góp mặt của các sao phía Nam như Thúy Nga, Hoài Linh. Năm nay, người đẹp dao kéo Phi Thanh Vân cũng góp mặt trong hài Tết của Nghe nhìn Thăng Long. Việc mời hẳn một ê kíp phía Nam (nhưng lồng tiếng Bắc) được giải thích là muốn có sự hòa hợp cả hai miền. Hơn nữa, công ty này cũng muốn đưa hài Tết vào Nam. Với kịch bản Cả Ngố sẽ có sự góp mặt của dàn sao quen mặt như Tự Long, Xuân Bắc, Hiệp “gà”, Minh Hằng, Thanh Ngoan, Hán Văn Tình và ca sĩ Ngọc Khuê.

Trong khi đó, phía Hồ Gươm Audio lại chọn con đường “gây dựng danh tiếng cho diễn viên trẻ”. Lý do một phần là “Mấy năm gần đây, các nghệ sỹ hài nổi tiếng như Xuân Hinh, Hoài Linh diễn cũng không được tốt lắm. Do vậy, chưa chắc diễn viên hài nổi tiếng đã tạo nên một sản phẩm chất lượng” -  Bà Thu Hiền bày tỏ.

Với sự chuẩn bị chu đáo như năm nay, liệu đĩa hài Tết sẽ tạo ra một diện mạo mới hay không? Câu trả lời còn ở phía trước. Hy vọng sẽ có một mùa bội thu khi nhà sản xuất luôn cố gắng thích ứng với sự khen chê và hết lòng vì công chúng.

Lan Chi