Hái ra tiền từ rác của nước láng giềng

ANTĐ - Sự phát triển của công nghệ tái chế rác thành năng lượng đã khiến Đức rơi vào tình huống hy hữu: Lượng rác mà họ thải ra hiện nay không đủ nguyên liệu cho các nhà máy điện hoạt động nên phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy vậy, người Đức đang chứng minh rằng, rác của nước này có thể là kho báu của nước khác.
Hái ra tiền từ rác của nước láng giềng  ảnh 1

Quang cảnh một nhà máy xử lý rác để cung cấp điện và khí sưởi ở Magdeburg, Đức

“Áy náy” nếu tỷ lệ tái chế thấp

Mỗi ngày, từng đoàn xe tải ùn ùn đổ về thành phố Magdeburg của Đức với mặt hàng nhập khẩu đặc biệt từ Manchester, Anh: rác. Điểm tập kết là một nhà máy điện vốn biến rác thải thành điện, hoặc như lời quảng cáo hấp dẫn của họ, đó là “quay rơm thành vàng”. Rơm ở đây chính là những khối rác ép gọn gàng, bọc kín trong nylon.

Trong khoảng 10 năm qua, trên khắp nước Đức mọc lên những nhà máy điện và cơ sở sản xuất phân bón hoạt động từ rác đồng thời toàn bộ số bãi chôn lấp đóng cửa, không nhận rác sinh hoạt. Công nghệ tái chế phát triển, trong khi lượng rác thải ra ít hơn do tác động của dân số giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà máy tái chế của nước này rơi vào cảnh thiếu hàng triệu tấn rác nguyên liệu mỗi năm và họ đành phải “ngó” sang các nước láng giềng.

Hiện giờ, rác thải từ Anh, Ireland, Ý và Thụy Sĩ và nhiều nước khác được vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy vào nước Đức để được xử lý thành điện, phục vụ cho các hộ gia đình của Đức. Riêng ở Magdeburg, cách Thủ đô Berlin khoảng 100 dặm, điện từ rác thải cung cấp cho 1/3 nguồn năng lượng của thành phố và hệ thống sưởi cho khoảng 50.000 hộ gia đình.

Từ năm 1991, Đức đã thông qua một đạo luật trong đó thể chế hoá việc tái chế rác. Đến nay, tỷ lệ tái chế ở đây đứng hàng đầu thế giới, với khoảng 65% chất thải sinh hoạt. Hamburg cũng là một thành phố phải nhập khẩu rác khi ký một hợp đồng nhỏ với một thành phố ở Anh. Tuy vậy, tỷ lệ tái chế ở đây tương đối thấp, vào khoảng 40%, điều đó đủ khiến quan chức thành phố cảm thấy “áy náy”. 

Tại các hộ gia đình của Đức hiện nay, thùng rác trong nhà họ có ít nhất 4 ngăn để phân loại rác. Cùng với đó, những container chứa rác công cộng đặt tại sân hay tầng hầm của các tòa chung cư gần như có đủ 7 sắc cầu vồng, mỗi màu sắc tương ứng với loại rác có thể tái chế từ kính, nhựa, rác hữu cơ đến giấy- hộp carton… “Chúng tôi là một thế hệ người Đức lớn lên cùng với công nghệ tái chế”, Stefan Korn, một công dân Berlin 30 tuổi cho biết. Korn là chủ cửa hàng Upcycling Deluxe GmbH, một trong hàng chục cửa hàng “trên cả tái chế” ở Berlin. Họ biến quần áo và những vật dụng cũ thành đồ thủ công với mức giá hợp lý.

Đem lại nguồn thu lớn

Từ những lò đốt rác thủ công, công nghệ biến rác thải thành năng lượng giờ đã phát triển đủ để loại bỏ những chất độc đầu bảng như thủy ngân, chì đồng thời tạo ra năng lượng và giảm khí mê tan trong quá trình xử lý. Vì thế, đây là công nghệ rất thân thiện với môi trường. Mặt khác, tái chế cũng đem lại nguồn thu lớn. Tại các nhà máy điện ở Magdeburg, khi đốt xong rác thải trong nồi hơi, người ta dùng nam châm hút kim loại ra, trong khi tro còn lại được bán cho một công ty nhựa đường. 

Bên cạnh đó, nhập khẩu rác thải còn là bài toán kinh tế khả thi. Trong khi châu Âu đang loại bỏ dần các bãi chôn lấp, người dân phải chịu phí cao hơn đối với rác đô thị, ví như hiện là 55-80 USD/tấn so với 35USD/tấn ở thời điểm 3-4 năm trước. Mức phí này khiến cho việc lựa chọn vận chuyển rác đến Đức xử lý đem lại lợi ích cho đôi bên, nhất là khi các nhà máy biến rác thành năng lượng là một trong những lựa chọn tốt nhất.

Đức không phải là quốc gia đầu tiên nhập khẩu rác từ nước ngoài. Trong danh sách này còn có Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan… Theo thống kê trong năm 2014, Thụy Điển nhập khẩu 800.000 tấn rác để phục vụ hệ thống sưởi cho gần 1 triệu gia đình và cung cấp điện cho khoảng 260.000 hộ. Điều này đang được Liên minh châu Âu khuyến khích nhân rộng. “Đó không phải là rác, mà là nguồn năng lượng”, ông Peter Werz, người phát ngôn của Công ty Năng lượng từ rác EEW, đang sở hữu một nhà máy điện ở Magdeburg khẳng định.