Hải quân Nga tiếp nhận tàu nghiên cứu đại dương mới nhất

ANTĐ - Ngày 23-5, hải quân Nga đã tiếp nhận một chiếc tàu nghiên cứu hải dương mới, mang tên Yantar, để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và cứu hộ dưới đáy biển.

Chiếc tàu được đặt tên là Yantar, tiếng Nga có nghĩa là “hổ phách”, theo tên của nhà máy đóng tàu Baltic của Nga ở Kaliningrad, nơi nó được chế tạo.

Tàu nghiên cứu hải dương Yantar, thuộc Dự án 22010, được thiết kế để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và cứu hộ tại các vùng biển sâu. Tàu dài 108,1m, rộng 17.2m, do Cục thiết kế hàng hải Almaz ở St. Petersburg thiết kế và phát triển.

Hệ thống động cơ đẩy của tàu bao gồm 2 chân vịt định bước cố định và 2 chân vịt mũi, giúp tàu có khả năng cơ động hơn. Tàu được trang bị các thiết bị hiện đại và mới nhất để tiến hành nghiên cứu và khảo sát âm học, sinh học, vật lý và địa vật lý.

Tàu nghiên cứu hải dương Yantar của hải quân Nga tại lễ hạ thủy

Tàu Yantar có trọng lượng giãn nước 5.200 tấn, tốc độ tối đa đạt 15 hải lý/giờ, tầm hoạt động 8.000 hải lý (gần 15.000km), và được biên chế 60 thành viên phi hành đoàn.

Trên tàu được trang bị ít nhất 2 thiết bị lặn không người lái (AUV) nước sâu, mang tên Rus và Konsul. Đây là hai thiết bị lặn quân sự nhỏ hơn chút ít so với tàu lặn Mirs nổi tiếng của Nga, nhưng lại có thể lặn sâu hơn. Trong các cuộc thử nghiệm, tàu lặn Konsul đã lặn sâu đến 6.270m.

"Tàu Yantar được trang bị một tổ hợp nghiên cứu khoa học độc đáo trên tàu cho phép nó có thể thu thập các dữ liệu về môi trường biển, cả trong khi di chuyển và neo đậu. Không ở đâu có tổ hợp tương tự như vậy", ông Alexei Burilichev, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu nước sâu thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cho biết.

Tàu nghiên cứu hải dương Yantar đã được biên chế cho Hạm đội Biển Bắc của Nga.