Hải quan "đau đầu" vì doanh nghiệp nợ thuế rồi bỏ trốn

ANTD.VN - Dù đã công khai, áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ thuế, song đến nay, cơ quan hải quan vẫn “bó tay” với nhiều doanh nghiệp nợ thuế.

Nợ thuế rồi… bỏ trốn

Theo báo cáo mới nhất của Cục Hải quan TP.HCM, đến giữa tháng 7/2019, Cục Hải quan TP.HCM có hơn 2.600 doanh nghiệp nợ tổng cộng lên tới hơn 2.119 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.

Đây cũng là địa phương có số nợ thuế xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước. Phần lớn số nợ này rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thuộc diện khó thu hồi.

Các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư - sản xuất xuất khẩu và nhập gia công, buôn bán giày dép, giày da, may mặc…

Trong đó, đứng đầu danh sách nợ thuế xuất nhập khẩu là Công ty Cổ phần NIVL với số nợ lên tới trên 150 tỷ đồng tính đến hết tháng 4/2019. Công ty NIVL là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, được cấp phép đầu tư năm 1998 và đến năm 2007 bắt đầu hoạt động.

Đáng chú ý, theo Hải quan TP.HCM, doanh nghiệp này đã ngưng hoạt động nhiều năm nay, chủ doanh nghiệp cũng đã bỏ về nước nên số nợ trên khó có khả năng thu hồi.

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Silver Star Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM), nợ hơn 47 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Công ty này được cấp phép năm 2008, ngừng hoạt động từ năm 2011 nhưng chưa làm thủ tục đóng mã số thuế…

Hàng loạt doanh nghiệp FDI đã ngừng hoạt động, chủ bỏ về nước tương tự cũng đang để lại khoản nợ lớn cho ngân sách Nhà nước mà gần như không có khả năng thu hồi.

Nhiều khoản nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đến nay không có khả năng thu hồi

Trong khi đó, tại Cục Hải quan Hải Phòng, số nợ thuế hiện nay chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, đứng đầu là Công ty CP Thương mại đầu tư và Xuất nhập khẩu Nam Cường (quận Hải An, Hải Phòng) nợ gần 30 tỷ đồng. Công ty CP IDC (quận Lê Chân, Hải Phòng) nợ 20 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Kim (TP Móng Cái, Quảng Ninh) nợ 16,8 tỷ đồng...

Tại cục Hải quan Quảng Ninh, hết tháng 6/2019, còn 70 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn cưỡng chế, với tổng số nợ hơn 113 tỷ đồng.

Nợ mới ít phát sinh, nhưng nợ cũ khó đòi

Được biết, số nợ thuế của ngành Hải quan hiện nay chủ yếu còn tồn từ thời điểm 1/7/2013 trở về trước, khi doanh nghiệp được nợ thuế mà không cần bất cứ điều kiện gì. Lợi dụng chính sách này, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hàng hóa rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Hiện nay, số nợ thuế xuất nhập khẩu của doanh nghiệplàm thủ tục hải quan hầu hết không phát sinh, do doanh nghiệp phải nộp thuế trước thì hàng hóa mới được thông quan.

Năm 2019, Tổng cục Hải quan phải thu hồi và xử lý hơn 546 tỷ đồng nợ thuế, bao gồm các khoản nợ quá hạn, tiền chậm nộp thuế phát sinh trước 1/1/2019. Trong đó, Cục Hải quan TPHCM được giao phải thu nợ thuế nhiều nhất, hơn 214 tỷ đồng; Cục Kiểm tra sau thông quan với chỉ tiêu phải thu hơn 131 tỷ đồng; Cục Hải quan Đà Nẵng phải thu hơn 54 tỷ đồng...

Theo Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan, đối với các khoản nợ thuế tồn đọng từ các năm trước (trước 1/7/2013) khó có khả năng thu đòi, do nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, chủ bỏ trốn.

Ngoài ra, các quy định của luật còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp doanh bán hàng không xuất hóa đơn nên không thể thực hiện được biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Do đó, cơ quan chức năng không thể thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế khi lập hồ sơ xóa nợ theo quy định.