Hải quân Ấn Độ tăng cường sức mạnh để ứng phó với Trung Quốc?

ANTD.VN - Chính phủ Ấn Độ cho rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng tự tin và quyết đoán, sẵn sàng chấp nhận "va chạm" để tìm kiếm các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh lớn hơn. Do đó, thời gian qua, nước này đã tăng cường sức mạnh, tiềm lực Hải quân nhằm răn đe chiến lược đối với Trung Quốc.

Ấn Độ "răn đe chiến lược" Trung Quốc

Hồi tháng 5-2019, Hãng Reuters dẫn nguồn tin của Hải quân Mỹ cho biết, Hải quân Ấn Độ đã triển khai tàu khu trục INS Kolkata và tàu chở dầu INS Shakti tới tham gia tập trận chung trên Biển Đông, cùng với Nhật Bản và Australia.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng gửi tới 1 trong 2 tàu sân bay lớn nhất của nước này là "Izumo". Các hoạt động diễn ra trong vòng 1 tuần và kết thúc hôm 8-5-2019. Cuộc tập trận được tiến hành sau khi 2 tàu chiến khác của Mỹ tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông cách đó 3 ngày.

Trong báo cáo mới đây về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được công bố ngày 1-6-2019, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng sức mạnh về quân sự và chính trị, với tham vọng sớm trở thành "bá chủ" tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và cuối cùng là "thống trị" thế giới về lâu dài. Do đó, nước này kêu gọi các nước đồng minh (Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) tăng cường tiềm lực Hải quân và hợp tác trên biển, nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La ngày 1-6-2019 (Nguồn: Reuters)

Theo thống kê của trang Stratfor (Mỹ), năm 2018, Hải quân Ấn Độ đã bổ sung ít nhất 5 tàu chiến. Hiện các xưởng đóng tàu Ấn Độ đang tiếp tục đóng 36 tàu chiến và tàu ngầm, gồm tàu sân bay Vukrant; các tàu khu trục P-15B, tàu hộ vệ tàng hình P-17A, tàu hộ tống P-28 ASW, tàu tuần tra ngoài khơi và các tàu ngầm lớp Scorpene...

Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng N. Modi cũng vừa thông qua việc mua sắm thêm 56 tàu chiến và 6 tàu ngầm lớp Scorpene (dự án trị giá 5,6 tỷ USD nhằm nâng cấp lực lượng tác chiến dưới biển) cho Hải quân Ấn Độ trong thập kỷ tới.

Việc Ấn Độ bổ sung tàu sân bay INS Vikrant - tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo thuộc Chương trình tàu sân bay nội địa (IAC), đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ chạy thử nghiệm vào giữa năm 2020, sẽ giúp Hải quân Ấn Độ tăng cường đáng kể sức mạnh "răn đe", ngăn chặn cũng như tấn công tầm xa trên biển.

Tăng cường toàn diện sức mạnh Hải quân

Đáng chú ý, hồi cuối năm 2018, Thủ tướng Modi tuyên bố, INS Arihant - tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân tự đóng đầu tiên của Ấn Độ, đã kết thúc thành công chuyến tuần tra răn đe thử nghiệm đầu tiên tại Ấn Độ Dương và sẵn sàng hoạt động. Tàu ngầm lớp Arihant được coi là "xương sống" của lực lượng răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Với tàu ngầm này, Ấn Độ trở thành một trong số ít quốc gia có khả năng phóng vũ khí hạt nhân cả từ trên bộ, trên không lẫn dưới biển trong tình huống khẩn cấp.

Sau nhiều năm trì hoãn, Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự kiến sẽ thảo luận về đề xuất trang bị ngư lôi hạng nặng cho tàu ngầm hạt nhân INS Arihant và cả 6 tàu ngầm lớp Scorpene.

Nhằm tăng cường sức mạnh Không quân, Hải quân, Chính quyền Ấn Độ đã thông qua kế hoạch sắm 111 trực thăng đa nhiệm và 24 trực thăng chống tàu mặt nước cho Hải quân nước này. Kế hoạch đang được tiến hành phù hợp với chương trình công nghiệp hóa đất nước với tên gọi "Make in India", theo đó, 16 trực thăng sẽ được chuyển giao dưới dạng hoàn thiện bởi công ty nước ngoài, 95 chiếc còn lại sẽ được lắp ráp trực tiếp tại Ấn Độ.

Tàu hộ vệ lớp Veer của Hải quân Ấn Độ (Nguồn. INSnavy)

Tháng 12-2018, Hải quân Ấn Độ đã lần đầu tiên hạ thủy hệ thống tàu ngầm tại vùng biển sâu (DSRV) ở Mumbai, bang Maharashtra. Hệ thống DSRV thứ 2 đã hoạt động tại Visakhapatnam, bang Andhra Pradesh vào tháng 3-2019. DSRA được sử dụng để giải cứu các thủy thủ đoàn bị mắc kẹt trong các tàu ngầm gặp nạn và có khả năng hoạt động ở độ sâu 650 m với sức chứa 15 người.

Đây được coi là sự kiện đánh dấu nhiều năm nỗ lực của Hải quân Ấn Độ, đưa nước này vào nhóm số ít quốc gia trên thế giới có khả năng này.

Về cơ sở hạ tầng và tổ chức cho Hải quân, dự án Seabird (Chim biển) - mở rộng căn cứ Hải quân Karwar ở bờ biển phía Tây Ấn Độ, đã bước sang giai đoạn 2 nhằm bảo đảm căn cứ có thể chứa thêm nhiều tàu chiến, tàu ngầm; trở thành "nhà" của tàu sân bay INS Vikramaditya và 6 tàu ngầm Scorpene trong tương lai.

Một trong những thế mạnh của Hải quân Ấn Độ đó là các loại tàu tuần tra; nước này  hiện sở hữu khoảng 100 tàu tuần tra các loại (Nguồn: INSnavy)

Hải quân Ấn Độ cho biết, nước này sẽ mở căn cứ Không quân thứ 3 mang tên INS Kohassa trên quần đảo chiến lược Andaman - Nicobar tại Vịnh Bengal, được dự báo sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của máy bay giám sát tầm xa Ấn Độ.

Cũng trong tháng 1-2019, Chính phủ Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch thành lập 3 phi đội Không quân - Hải quân tại bang Gujarat và Tamil Nadu, đồng thời nhất trí tăng cường nhân lực, máy bay cho phi đội máy bay giám sát Dornier hiện có của Hải quân Ấn Độ tại bang Kerala và quần đảo Andaman.

Trên thực địa, Hải quân Ấn Độ tăng cường phô diễn sức mạnh. Ngay trong những ngày đầu năm 2019, cuộc diễn tập Sea Vigil (Cảnh giác trên biển) phòng thủ bờ biển lớn nhất từ trước tới nay, nhằm kiểm tra khả năng chống đối phương xâm nhập, tấn công từ biển đã được tổ chức. Gần 150 tàu chiến, 40 máy bay chiến đấu, tàu tuần tra Ấn Độ đã tham gia diễn tập với phạm vi bao quát toàn bộ 7.516 km đường bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, liên quan đến tất cả 13 bang duyên hải.

Trước đó, tháng 11-2018, Hải quân Ấn Độ đã điều động hàng loạt tàu chiến gồm Ranvijay, Satpura, Sahyadri, Shakti, Kirch, Kadmatt, Sumedha và Sukanya; các máy bay trinh sát hàng hải tầm xa P81 và phóng nhiều tên lửa, ngư lôi trong cuộc tập trận chúng SIMBEX với Hải quân Singapore.

Đây có lẽ là cuộc tập trận lớn nhất, phức tạp nhất và thu hút nhiều hỏa lực nhất mà Hải quân Ấn Độ tiến hành với một lực lượng Hải quân nước ngoài.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng tham gia tập trận Malabar với Mỹ và Nhật Bản, được giới quan sát cho là động thái biểu dương sức mạnh Hải quân 3 nước nhằm răn đe tham vọng bành trướng trên đại dương của Trung Quốc.

Giải mã nguyên nhân sâu xa 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những động thái răn đe chiến lược nêu trên của Ấn Độ phần lớn bắt nguồn từ sự quan ngại của New Delhi trước sức mạnh, ảnh hưởng và khả năng xâm nhập, nhất là trong lĩnh vực hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Theo quan sát của họ, lực lượng Hải quân Trung Quốc đang chuyển hướng, vươn tới các khu vực xa trên Biển Đông, đồng thời tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động, chiến dịch ở những vùng biển xa hơn, như Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đang tiến gần hơn đến Ấn Độ, tìm cách bao vây Ấn Độ với việc nắm quyền kiểm soát các cảng biển chiến lược của Sri Lanka và đưa tàu Hải quân tới thăm một số cảng ở các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Chittagong (Bangladesh), Colombo (Sri Lanka), Male (Maldives) và Gwadar (Pakistan).

Những năm gần đây, Trung Quốc mở rộng nhà xưởng, tăng tốc độ đóng tàu chiến, nhất là các tàu sân bay, để gia tăng kiểm soát diện rộng trên biển, tạo đà đẩy mạnh sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI), cụ thể là "Con đường trên biến thế kỷ XXI" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong vòng 5 năm qua, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã được bổ sung hơn 80 tàu chiến. Một số nguồn tin cho biết, Bắc Kinh có tham vọng hạ thủy ít nhất 6 tàu sân bay vào năm 2035; 2 tàu sân bay trong số này dự kiến triển khai tại Ấn Độ Dương.

Theo Thời báo Ấn Độ, Hải quân nước này hiện có hơn 140 tàu chiến, 250 chiến đấu cơ; mục tiêu đến năm 2027 sẽ có hơn 210 tàu chiến và 458 chiến đấu cơ. Giới học giả cho rằng, lực lượng Hải quân Ấn Độ đang có lợi thế tương đối so với lực lượng Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, tuy nhiên, họ cũng cảnh báo, tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có lợi thế cả về số lượng lẫn chất lượng so với tàu ngầm Ấn Độ.

Trong bối cảnh PLAN gia tăng sức ép, "đe dọa" trực tiếp tới địa vị số 1 của Hải quân Ấn Độ ở Nam Á và cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược giữa "rồng Hoa, hổ Ấn" không thể tránh khỏi tại khu vực, có lẽ cách tốt nhất để New Delhi duy trì hòa bình là tăng cường năng lực "răn đe" trên biển.