Hai phương án tính lương hưu mới

ANTĐ - Ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, dự luật đưa ra 2 phương án tính lương hưu mới. 
Hai phương án tính lương hưu mới  ảnh 1
Cần tính toán lộ trình thực hiện chính sách BHXH mới để tránh gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế
(Ảnh minh họa)


Tránh gây xáo trộn

Tại phiên họp, đa số ý kiến  thành viên UBTVQH đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: “Để đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định”. 

Trong khi đó, việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc vẫn còn những ý kiến khác nhau. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã. Ông Nguyễn Đức Hiền nói: “Nhiều cán bộ mang tiếng bán chuyên trách nhưng thực chất làm cả ngày. Họ chỉ có phụ cấp, không có lương và ở vùng sâu, vùng xa thậm chí ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Khi xây dựng luật về chính quyền địa phương chúng ta cũng phải tính thêm việc này”. 

Tuy nhiên, theo bà  Trương Thị Mai, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, nên quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện và mức tiền lương tháng đóng BHXH tự nguyện là mức tiền lương cơ sở và mức hỗ trợ của Nhà nước tối đa không quá 10%. Tỷ lệ cụ thể sẽ do Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ. 

Nhắc tới yêu cầu “đảm bảo sự công bằng trong đóng – hưởng và an toàn quỹ BHXH”, Phó Chủ tịch Quốc hội   Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Nếu không giữ vững nguyên tắc này thì khi Luật BHXH được thực hiện, khả năng vỡ quỹ còn lớn hơn trước khi sửa luật”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo – thẩm tra phối hợp làm rõ tác động của việc thực hiện Luật BHXH, đặc biệt là việc cân đối ngân sách. Nhiều ý kiến tại phiên họp nhấn mạnh yêu cầu tính toán kỹ lộ trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội mới để tránh gây xáo trộn lớn cho nền kinh tế.

Rút đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH, có 2 phương án được đưa ra xin ý kiến UBTVQH. Phương án 1 (phương án có lộ trình), sẽ tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1-7-2015) đến 31-12-2019. Từ   1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. 

Phương án 2 (phương án của Chính phủ) là tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian từ 1-1-2018. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội ủng hộ phương án 1 và lưu ý cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng – hưởng BHXH của người lao động từng khu vực. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và nhiều ý kiến trong UBTVQH đồng ý với phương án 1. Tuy nhiên, do đây là chính sách có tác động xã hội rộng lớn nên cần đưa cả 2 phương án để Quốc hội thảo luận. 

Đáng chú ý, dự thảo mới nhất trình UBTVQH sáng 13-8 đã không còn đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2016 cho đến khi nữ đủ 60 và nam đủ 62. Thay vào đó, tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của nam vẫn là đủ 60 và nữ là đủ 55 như quy định tại Bộ luật Lao động. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.