Chuyện tình... người điên (1):

Hai người "điên" gặp nhau - tình yêu bùng cháy

ANTĐ - Tưởng chừng cuộc đời của họ sẽ bị vùi chôn mãi mãi nhưng tình yêu đã kéo họ gần nhau rồi tay trong tay bước tiếp chặng đường phía trước.

Chàng trai có khuôn mặt đàn ông và đôi mắt sáng thông minh còn cô gái với mái tóc dài đen mượt luôn nở nụ cười như đoá hoa hàm tiếu. Nhìn qua, ít ai biết cậu con trai đã từng sống những năm dài trong hoảng loạn và đau thương đến nỗi mắc bệnh tâm thần... và cô gái lại đã có lúc vì một cú vấp đầu đời mà phải đi chữa bệnh thần kinh. Tưởng chừng cuộc đời của họ sẽ bị vùi chôn mãi mãi nhưng tình yêu đã kéo họ gần nhau rồi tay trong tay bước tiếp chặng đường phía trước.

Câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, luôn bị ngắt quãng bởi những cuộc thăm viếng của bệnh nhân. Trong số những người vào thăm, tôi để ý thấy có một đôi trai gái tuổi còn rất trẻ, chàng trai có khuôn mặt khá điển trai, họ đến để cám ơn và tặng hoa chúc mừng ông nhân ngày 27/2. Thấy vẻ mặt của tôi đầy thắc mắc, ông cười: “Họ là bệnh nhân của khoa cách đây mấy năm, từ ngày ra viện, 27/2 năm nào cũng đến tặng hoa”. Họ là Đoàn Văn N và Lê Thị H. Y.

Căn bệnh lạ và bi kịch một gia đình

N sinh năm 1985, quê Hà Tĩnh hiện đang là sinh viên một trường Trung cấp Dược, còn Y sinh năm 1988 đang học năm thứ 2 Cao đẳng sư phạm của một tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhà N có 2 anh em, N là con trai lớn sau cậu còn một em gái. Bố N đi xuất khẩu lao động, làm công nhân cạo mủ cao su. Nhưng không ngờ, chỉ sau 7 năm sống nơi đất khách quê người, sức lực của ông T nhanh chóng suy kiệt. Không đủ sức khỏe, chủ lao động hủy hợp đồng.

Về quê, ông T ở trong tình trạng phát ban, toàn thân phù thũng. Đi khám, các bác sĩ kết luận ông bị suy thận độ 4 và bắt đầu phải vào điều trị tại bệnh viện. Sau thời gian điều trị ngắn ngày, bệnh trạng của ông T ổn định hơn, được cho về nhà. Nhưng về nhà, ông T đột nhiên phát bệnh ham muốn tình dục quá độ, trở thành một kẻ cuồng dâm. Suốt ngày này sang ngày khác, ông T trên người không một mảnh vải che thân, bất cứ lúc nào cũng ham muốn và sẵn sàng làm “chuyện ấy”.

Cơ chế gây bệnh cho ông T được các bác sĩ giải thích là do tuyến thượng thận của nam giới sinh ra một chất là corticoid, chất này sản sinh ra testotterol. Và sau đó, testotterol quay lại kích thích tuyến thượng thân, lại sản sinh thêm chất corticoid. Lượng corticoid trong tuyến thượng thận của nam giới quá dư thừa dẫn đến hoạt động tình dục vô độ, người mắc bệnh giống như một con thú.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng

Căn bệnh quái gở của ông T lúc nào cũng thôi thúc ông làm “chuyện ấy” không biết mệt mỏi. Ông phải để cho cơ thể mình “trần như nhộng” vì quần áo khiến ông khó chịu, vướng víu. Lúc đầu, chưa biết chồng mắc bệnh, người vợ ra sức khuyên nhủ, các con cả trai lẫn gái đều đã có nhận thức, không thể để chúng trông thấy bố không một mảnh vải trên người và khốn khổ hơn nữa là “cái ấy” lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng quan hệ. Gian nhà quê thông thống từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, 2 đứa con đều lẩn tránh bố nhưng không biết tránh vào chỗ nào. Đi học thì thôi về đến nhà anh em N chỉ biết chui xuống bếp đến bữa cơm nhà có 4 người mà chia thành 2 mâm. Bà con làng xóm khiếp hãi, kinh sợ khi chỉ vừa đánh tiếng ở đầu cổng là ngay lập tức thấy ông bố trần truồng chạy ra. Không ai dám đến chơi kể cả anh, em ruột thịt. Ham muốn tình dục quá độ khiến ông T trở thành kẻ độc ác, nhẫn tâm và mù quáng, ông ta ghen tuông với bất cứ ai nói chuyện với vợ. Từ những người hàng xóm thân thích đến những người thân ruột thịt nếu phát hiện vợ đang nói chuyện với ai thì ngay lập tức, ông vác gậy cứ thế tồng ngồng chạy ra đuổi đánh.

Ngay cả với N cũng bị ông ta cho vào “tầm ngắm”. Thấy hai mẹ con nói chuyện với nhau, chăm sóc nhau là ông ta chửi bới rồi vớ được gì trước mặt nhằm vào hai mẹ con mà ném. Những trận đòn điên dại của ông ta liên tiếp trút xuống cả hai mẹ con N.

Những lúc như vậy N chỉ biết lấy khăn chấm những giọt máu rỉ ra từ các vết thương trên cơ thể mẹ. Cậu thanh niên mới lớn vừa sợ hãi, tủi nhục vừa căm phẫn nhưng lại bất lực, không tìm ra cách nào giúp mẹ bớt khổ. Nỗi đau thể xác không là gì so với sự giày vò tâm can cậu. 18 tuổi, N đủ lớn để hiểu thảm cảnh mà mẹ cậu đang phải gánh chịu sau mỗi chiều đi làm đồng về. Mỗi lần như vậy, N lại ra sau nhà ngồi khóc. Cậu khóc hàng giờ liền trong nỗi uất ức câm lặng, dồn nén.

Cuối cùng, không thể chịu đựng thêm nữa, N bỏ đi lang thang. Cậu không dám trở về nơi từng là căn nhà thân thuộc, có hơi ấm của cả bố, mẹ và em. Cậu sống nhờ tình thương của những người dân quanh vùng. Đêm xuống, N ngủ ngoài đường, bờ bụi hoặc các xó xỉnh mà bước chân cậu lạc đến. Những ngày bỏ nhà đi lang thang, trong đầu N rối loạn nhiều suy nghĩ, cảm xúc. Nhớ và thương mẹ nhưng nghĩ đến bố, N không dám trở về nhà!

Nghe tin con bỏ nhà đi, mẹ N vừa chạy khắp làng vừa khóc gọi tên con. Bỏ việc ngoài đồng áng gửi con gái sang nhà ngoại một lần nữa người đàn bà tội nghiệp lại khăn gói lên đường tìm người thân. Nhưng giống như một trò chơi đuổi bắt, bà đến thì con đã đi khỏi. Cuối cùng, người mẹ tội nghiệp tìm thấy con vào một tối mùa đông bên một bụi cây rậm rạp ở góc đường cách nhà khoảng chục km. Vừa nhìn thấy mẹ, N đã oà khóc.

Mẹ N quyết định đoạn tuyệt với nỗi đau thể xác, tinh thần do chồng gây ra, cùng N bỏ vào Tây Nguyên tìm kế sinh nhai. Nơi đất khách quê người, chỉ có vài đồng bạc giắt lưng, hai mẹ con N như hai kẻ hành khất, tha phương cầu thực. Họ làm đủ nghề từ hái cà phê thuê đến bốc vác, cuối cùng trụ lại với nghề may dạo. Nhưng khó khăn, khổ sở do thiếu thốn vật chất không làm mẹ N lo lắng bằng việc từ ngày vào đây, N thường xuyên có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi vô cớ. Cả ngày N không bước chân ra khỏi cửa, có ai đến chơi, cậu lại hoảng hốt chui vào chỗ tối để nấp.

Người mẹ lo lắng đưa con đến bệnh viện khám thì các bác sĩ ở đây kết luận N có biểu hiện bệnh tâm thần, cần phải chữa trị. Nhưng bệnh tình của cậu thanh niên càng lúc càng nặng hơn, thuốc men và các phương pháp điều trị kết hợp đều không mang lại chút dấu hiệu khả quan nào. Nhìn đứa con trai khôi ngô, sáng láng mà bà từng đặt hết mọi hi vọng vào đó giờ như một chiếc bóng, lúc nào cũng ngơ ngẩn, hai tay ôm đầu sợ hãi, bà cảm thấy mình đã bị tước đoạt hết mọi lẽ sống trong đời.

Những tưởng cuộc đời của hai mẹ con họ không còn lối thoát thì tình cờ số phận cho họ gặp đoàn cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai trong một lần vào Tây Nguyên công tác. Thấy cậu thanh niên khôi ngô, tuấn tú nhưng có đôi mắt vô hồn. Hỏi ra mới biết N đang điều trị tại khoa Tâm thần bệnh viện tỉnh. Bằng tấm lòng người thầy thuốc và kinh nghiệm điều trị bệnh nhiều năm, các bác sĩ khoa tâm thần khẳng định có thể chữa khỏi bệnh cho N. Thương hoàn cảnh hai mẹ con, đoàn bác sĩ quyết định đưa N ra Hà Nội để chữa trị.

Theo các bác sĩ, N bị rối loạn tâm căn sau sang chấn. Đây là một rối loạn tâm lý, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài khi sự kiện đã kết thúc từ lâu. Những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất như thiên tai, bạo hành, tai nạn thường có nguy cơ mắc bệnh này.

Sau các xét nghiệm, các bác sĩ đã khẳng định bệnh của N hoàn toàn có thể chữa được. Thời gian điều trị tại bệnh viện, vào những lúc suy nghĩ rành mạch nhất, N lại hỏi thăm tin tức của mẹ. Cậu bồn chồn, lo lắng không biết mẹ trở lại quê nhà có gặp phải cuộc sống như trước đây...

Mẹ N thì như nắm được tia hy vọng cuối cùng khi nghe bác sĩ nói về khả năng có thể chữa bệnh được cho con mình. Bà tất tả, đôn đáo lo lắng chạy vạy tiền nong, vừa chăm chồng, vừa thi thoảng chạy đến bệnh viện thăm con. Người mẹ ấy lần nào đến bệnh viện đều nuốt nước mắt vào trong, không dám để cho N nhìn thấy, để cậu yên tâm chữa bệnh. Không lúc nào bà thôi cầu nguyện cho đứa con trai ngoan ngoãn của mình sớm bình phục.

Một thời gian sau, bố N mất, thấy hoàn cảnh mấy mẹ con khó khăn, bà con họ hàng thương tình mỗi người mỗi tay gây dựng cho mẹ N một ki ốt bán hàng ngoài chợ. Cuộc sống của gia đình N từ đó cũng bớt nhọc nhằn. Mẹ N đã bắt đầu có những phút giây thư thái, nghỉ ngơi, thậm chí cả hạnh phúc. Vì N đã có một ngã rẽ số phận thật êm đềm. Đó là những ngày tháng cuối cùng điều trị tại bệnh viện, N đã gặp và đem lòng yêu một cô gái cùng hoàn cảnh. Cô gái ấy tên Y.

Trở thành người điên vì... quá tỉnh

So với cuộc đời N, Y may mắn hơn nhiều cho đến khi bước vào cổng bệnh viện tâm thần. Y may mắn sinh ra trong một gia đình sung túc, bố mẹ Y đều là một cán bộ nhà nước. Anh trai Y đang đi du học nước ngoài. Về mặt vật chất, cả đời Y chưa bao giờ thiếu thốn điều gì. Y cần thứ gì là cô sẽ có thứ đó, bố mẹ cô yêu chiều cô hết mực, phần vì cô là con gái, lại là con út, phần vì anh trai cô xa nhà nên bây giờ bố mẹ chỉ có cô để chăm sóc chiều chuộng. Mặc dù vậy, mẹ cũng vẫn luôn nghiêm khắc dạy dỗ Y chứ không để cô thích làm gì thì làm. Là thững người thành đạt trong xã hội, bố mẹ Y đòi hỏi con mình phải có bản lĩnh, kiến thức để đứng vững trong cuộc sống. Bố mẹ Y muốn cô cũng giỏi giang như anh trai mình, sẽ đi học ở nước ngoài để trau dồi kiến thức và mở mang tầm nhìn. Y hiểu được điều mong mỏi của bố mẹ lên từ nhỏ tới lớn, cô luôn học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Y luôn có mặt trong số học sinh giỏi đứng đầu của lớp, là trường cô học cũng là trường chuyên có tiếng.

Trước kỳ thi đại học đến gần, đối với học sinh trường chuyên như Y vào đại học không phải là điều khó khăn. Vấn đề chỉ là vào trường nào, điểm số là bao nhiêu để so sánh với nhau. Mỗi người có một tính toán riêng, còn Y cô chẳng tính toán gì. Vì Y tin rằng cô có thể thi đậu vào bất kỳ trường nào cô thích, và quan trọng hơn, việc thi đại học này chỉ là bước đệm chân mà thôi. Chỉ cần Y thi đỗ một trường đại học nào đó để làm thủ tục, sau đó bố mẹ sẽ cho Y đi học ở nước ngoài. Y hoàn toàn tự tin và thoải mái trước kỳ thi được cho là “số phận” đối với nhiều sĩ tử.

Nhưng đúng là không ai học được chữ ngờ, nhất là người như Y. Ngày thông báo kết quả thi tuyển mà Y không tin nổi vào mắt mình, Y thi trượt, với một số điểm thấp khó hiểu. Y bàng hoàng không chấp nhận nổi thực tế kia, cô thấy trời đất chao nghiêng, mặt đất bỗng tối sầm lại, Y lảo đảo đứng không vững, chân cô như muốn khuỵu xuống.

Khi tỉnh dậy, Y thấy mình nằm trong phòng mình, mọi đồ vật thân quen vẫn y nguyên như thế, nhưng hình như lại không như cũ nữa. Mọi thứ biết động đậy, cười nói. Tiếng rì rầm cứ vang lên đâu đó, Y cố gắng lắng nghe thì hình như chúng đang nói về kỳ thi nào đó. Mở mắt trừng trừng nhìn rõ vào cây đèn trên bàn học, Y thấy nó đang ngoác miệng ra cười. Cô chưa hiểu nó cười gì thì bỗng nó lè lưỡi ra và hét lên trêu cô là đồ trượt đại học. Y lại kêu lên và lịm đi.

Tỉnh lại, Y vùng dậy định chạy đi kiếm tìm, nhưng mẹ đã ghìm cô xuống, mẹ khóc nấc lên, cô nghe câu được câu mất. Hình như mẹ hỏi cô sao lại đến nông nỗi này. Đột nhiên Y cảm giác có một cái gì đó đang đè lên người mình, khó thở và nặng nề. Bỗng tiếng nói của bố vang lên kéo Y lại với thực tại. Bố đã ngồi cạnh cô từ lúc nào không hay, bố vén tóc cô và nói bằng một giọng trầm buồn ít thấy. Phải mất một lúc lâu sau, Y mới hiểu bố đã nói gì, cô gục mặt xuống gối, người cô mềm rũ ra, cô chẳng muốn gặp ai hay nói chuyện gì lúc này. Lần đầu tiên trong suốt 18 năm, cô bỏ cơm tối.

Sáng hôm sau, Y vẫn nằm bất động trên giường. Y không biết mình đang ở đâu, và bây giờ là ngày hay đêm, tất cả chỉ là một mớ hỗn độn mịt mùng. Rồi Y thấy có một vật đang nhấp nháy trên bàn học, mãi cô mới nhận ra đó là chiếc di động của mình, cô cố với tay lấy nó. Có vài tin nhắn mới, cố gắng tập trung lắm Y mới đọc được. Toàn của bạn bè cùng lớp chia buồn và động viên cô. Y khóc òa lên, cô thấy sợ, sợ hãi tất cả mọi điều, cô muốn chạy trốn cái sự thật kia, chạy trốn mọi người. Y nấc lên nức nở rồi loay hoay tìm chỗ lẩn trốn... Bên ngoài vọng vào tiếng bước chân vội vàng hối hả của mẹ đang chạy lên phòng, Y càng cuống quýt, cô liền chui tọt xuống gầm bàn.

Từ đó, gầm bàn gầm giường là nơi Y lưu trú, cô không chịu ra ngoài, không chịu lên giường ngủ, không muốn gặp ai, kể cả bố mẹ. Cả ngày cô không nói không cười, cứ lặng lẽ như một cái bóng. Bạn bè đến thăm Y cũng không muốn gặp, nếu có ai cố tình lên gặp thì Y hét lên đuổi ra ngoài, rồi lại chui sâu hơn vào gầm giường. Y bỏ ăn, không ngủ... Tình trạng đó kéo dài được vài ngày thì bố mẹ Y đành đưa cô đến khoa Tâm thần bệnh viện Bạch Mai.

Mối tình diệu kỳ nảy mầm trong thế giới “người điên”

Suốt một thời gian dài Y điều trị tại đây, các bác sĩ đã rất vất vả vì Y luôn nổi khùng nếu có ai đó động đến mình. Khi không làm chủ được bản thân, Y sẵn sàng lao vào cấu xé, đánh đập người đối diện vì cô tưởng rằng người ta đang đến chế giễu cô. Nhưng rồi bằng nhiều phương pháp và thuốc men, cộng với sự động viên an ủi của bố mẹ, của bác sĩ, Y cũng tỉnh táo hơn. Đúng trong lúc này, khi còn chưa bình phục hẳn, đứng giữa cái ranh giới mong manh giữa bệnh tật và sức khoẻ, Y lại tìm thấy một nửa thứ hai của mình với tình yêu chân thành: Y gặp N.

Chiều hôm đó, Y ra sân chơi cho thoáng. Đi ra đến sân, Y chọn một chiếc ghế gần gốc cây, cô thấy hơi nhức mắt vì chưa quen với ánh sáng ngoài trời. Ngồi một lát, Y nhìn thấy cạnh ghế đá có một cây cỏ mần trầu đã già, đã lên hoa. Cô cúi xuống tước lấy bông mần trầu. Bỗng nhiên cô nghe thấy tiếng cười của ai đó.

Y ngẩng lên và thấy có một chàng trai mảnh khảnh, trông hơi yếu ớt đang đứng trước mặt mình. Nụ cười hồn nhiên vẫn chưa tắt còn ở trên môi, N dịu dàng trêu là đừng làm cây cỏ bị đau. Y xấu hổ nói chữa là cây cỏ vô tình không biết đau đâu. N hỏi vặn Y là cô có phải là cây đâu mà biết cây không đau, Y ngượng quá không biết trả lời sao bèn cúi đầu im lặng. N bật cười ngồi xuống bắt chuyện làm quen, Y thì vẫn ngượng nên lí nhí trả lời, mãi mới thành câu.

Gặp nhau tại bệnh viện với bộ quần áo bệnh nhân trên người, chẳng ai nói với ai thì cả hai đều hiểu họ đang nói chuyện với người như thế nào. Cùng hoàn cảnh, nên chỉ sau một lúc trò chuyện, họ đã có rất nhiều thứ để nói với nhau. Cả hai đều biết cần tránh né nói về vấn đề gì, họ cùng nhau bàn luận về cuộc sống tại bệnh viện, kể chuyện bâng quơ tầm phào về giờ ăn, giấc ngủ, về âm nhạc hoặc thời tiết. Nói một lúc thì đến giờ cơm tối, Y ngạc nhiên không hiểu vì sao cô đã nói chuyện lâu như vậy. N cũng cùng cảm giác, thời gian hôm nay sao trôi qua nhanh một cách lạ kỳ. Cả hai đứng dậy đi về, họ chào nhau không quên hẹn chiều mai lại gặp.

Buổi tối hôm đó, Y lâng lâng một cảm giác khó tả, hiện tượng bất thường của Y đã bị bác sĩ chú ý, bác sĩ nhắc Y cố gắng tập trung vào giấc ngủ, ngủ sâu đủ giấc mới có sức khỏe để chống lại bệnh tật. Khác với mọi lần hay vùng vằng cau có, hoặc sợ hãi né tránh; lần này Y cười thật tươi, gật đầu như đồng tình cùng bác sĩ rồi ngoan ngoãn leo lên giường. Đêm đó chìm vào giấc ngủ với một nụ cười.

Ở buồng khác, N cũng đang xao xuyến vì một bóng hình. Cuộc gặp gỡ thú vị và bất ngờ chiều nay đã đem lại cho N một cảm xúc mới. Chưa bao giờ N thấy mình lâng lâng như khi nhìn vào mắt Y, cảm giác như đang bồng bềnh trôi. Có lúc N cảm thấy mình đang rơi, rơi vào một không gian lạ kỳ, thật êm ái, thật dịu dàng.

Sáng hôm sau thức giấc, Y thấy nhơ nhớ một điều gì không hiểu nữa, chợt cô nhận ra hình ảnh chàng trai chiều qua đã ở trong tâm trí cô suốt từ khi hai người gặp nhau đến giờ. Y chạy ra ban công nhìn xuống sân bệnh viên, nhìn phía ghế đá chiều qua nhưng chẳng thấy ai. Chiếc ghế nằm chơ vơ một mình dưới nắng đến tội nghiệp. Một chút thất vọng ùa tới, Y thẫn thờ đi về phòng mình. Bữa trưa hôm đó Y ăn trong vô thức, cô mong ngóng chờ đợi đến buổi chiều, vào tầm giờ ngày hôm qua hai đứa gặp nhau.

Rồi cái giờ mong mỏi ấy cũng đến, Y kiềm chế lắm để không đi ra đó trước giờ đã định. Cô đi từ từ, vừa đi vừa hồi hộp. Cô cũng không hiểu tại sao lại thế nhưng linh tính mách bảo cô rằng, người con trai đó sẽ là một dấu ấn của đời cô. Đi đến chỗ rẽ để ra ghế đá, cô đã hơi thất vọng vì thấy chiếc ghế vẫn trống trơn, thì bất chợt có một tiếng gọi làm cô quay lại. Y quay lại và bất ngờ, N đứng đó như đợi cô từ lúc nào, N tươi cười nhìn cô, mắt long lanh vui sướng. Y đứng ngây ra đó mất một lúc rồi mới định thần lại để chào hỏi N. Hai người chầm chậm đi dạo quanh bệnh viện, nói chuyện như những người bạn lâu ngày mới gặp nhau, ríu rít không hết chuyện.

Cứ thế, chiều chiều, hai người hẹn nhau đi dạo bộ. Tình yêu của họ đến từ lúc nào không ai biết. Chỉ biết rằng trong thời gian ấy, bệnh tình của Y và N đều thuyên giảm rõ rệt. Cả hai đã bình phục hoàn toàn sau vài tháng yêu nhau.

Tình yêu là điều thiêng nhất mà Thượng đế ban tặng cho con người, không chỉ tồn tại trong thế giới của những người khỏe mạnh. Trong bệnh viện tâm thần, trong thế giới của những “người điên” cũng có những mối tình đẹp như mơ đơm hoa kết trái. Và ở nơi còn ẩn chứa rất nhiều bí mật ấy, còn có rất nhiều những câu chuyện hỷ nộ ái ố xoay quanh hai chữ ái tình. Chẳng phải nhân gian vẫn thường nói “Hai chữ ái tình thật điên rồ” đấy hay sao?

(Còn tiếp)