Hai người chết và nhiều thiệt hại về tài sản do mưa lớn tại một số địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 14 đến ngày 17-7, đã gây thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh Lào Cai, Hoà Bình, Kiên Giang...

Theo đó, mưa lớn kèm dông lốc đã khiến 45 căn nhà bị thiệt hại (Lào Cai 01 nhà, Hoà Bình 10 nhà, Kiên Giang 34 nhà)

Về giao thông gây sạt lở 7 điểm trên quốc lộ 4, 11 điểm trên các tuyến tỉnh lộ 152, 159 tỉnh Lào Cai; 10 điểm trên các tuyến đường tỉnh lộ và nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông nông thôn của tỉnh Hoà Bình, đã gây ùn tắc. Đến 17h00 ngày 17-7 đã thông xe các điểm sạt lở.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương tỉnh Hoà Bình đã huy động lực lượng chức năng khắc phục sạt lở giao thông; đặt rào chắn, đặt biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.

Hoà Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề, hai người chết do đuối nước và sét đánh. Khoảng 82,5 ha lúa hoa, màu bị thiệt hại; 79 con gia súc, gia cầm chết.

Hoà Bình căng mình đối phó với nước lũ

Tỉnh Hòa Bình đang vào mùa mưa bão. Những cơn mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về, các ngầm tràn ngập chìm trong dòng nước chảy xiết và trở thành mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hoà Bình có gần 70 ngầm tràn trên các tuyến đường tỉnh và nhiều ngầm, tràn qua sông, suối nhỏ.

Ông Hoàng Đình Tráng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình có nhiều đồi núi, địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, nhiều sông, suối và tuyến đường giao thông phải đi qua ngầm tràn.

Đặc biệt, phần lớn suối đều hẹp, khi mưa lớn kéo thành những dòng chảy mạnh và các tuyến đường giao thông có nhiều ngầm tràn nên khi nước lũ về gây ngập úng, giao thông tê liệt, chia cắt.

Để chủ động ứng phó các tình huống khi có mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ.

Các địa phương rà soát điểm giao thông bị ngập úng, có nước chảy xiết, điểm có nguy cơ sạt lở đất phải cắm biển cảnh báo; bố trí người canh trực 24/24 giờ tại những vị trí nguy hiểm; tuyệt đối không để người dân tự ý đi qua khi không đảm bảo an toàn.